HLV nhiều tuổi nhất vẫn còn theo đuổi niềm đam mê công việc chính là “lão già” Bùi Lương. Đã gần 80 tuổi rồi nhưng HLV Bùi Lương vẫn lăn lộn khắp nơi để tìm kiếm các tài năng trẻ cho điền kinh Việt Nam. Thật lạ, ở cái tuổi xưa nay hiếm của làng thể thao, nhưng HLV Bùi Lương vẫn tự hào rằng sức khỏe của mình còn hơn nhiều các đồng nghiệp trẻ.
HLV lão làng Bùi Lương của điền kinh Việt Nam |
Ông Bùi Lương khỏe thật. Ít ai ngờ HLV Bùi Lương vẫn chạy vài km mỗi ngày để “giữ phom”, rồi mỗi năm ông già có tướng nhỏ thó ấy, lại xuất hiện trong vai trò một HLV tại giải Việt dã hay thậm chí là giải điền kinh VĐQG. Đáng nể hơn, các học trò dưới sự dẫn dắt của ông, đều giành những chiến tích vang dội.
Dưới bàn tay dẫn dắt của HLV Bùi Lương đã sản sinh ra rất nhiều lứa VĐV tài năng: Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Thị Huyền, Đặng Thị Tèo…
HLV Bùi Lương từng nói một câu bất hủ: “Tôi có đến chết mới hết chạy”. Câu nói khiến bất cứ HLV hay VĐV điền kinh cũng phải nhìn vào ông mà kính nể, mà xem ông như một tượng đài trong giới thể thao. Điền kinh đã ăn vào máu ông rồi. Vì thế mà cứ nghe ở đâu cần gây dựng phong trào điền kinh, nhất là môn chạy đường dài, là ông có mặt. Hiện tại, HLV lão làng Bùi Lương đang làm công tác đào tạo trẻ cho đơn vị Bình Phước. Ông cũng đã lâu không về thăm nhà, nhưng cũng chẳng ai trong gia đình trách cả, vì đã quá quen rồi.
Cựu HLV trưởng đội tuyển karate Lê Công cũng là một trong những người thầy có nhiều đóng góp cho karate nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung.
HLV Lê Công là thầy của nhiều VĐV Karatedo nổi tiếng nhất của Việt Nam |
Cứ mỗi kỳ SEA Games đến, Karate vẫn được coi như “mỏ vàng” của thể thao nước nhà. Ít ai biết đằng sau những thành công vang dội liên tiếp của Karate Việt Nam trên đấu trường quốc tế, luôn có sự đóng góp không nhỏ của HLV trưởng Lê Công - người đã gắn bó gần 20 năm năm liền với đội tuyển Karate.
Có quá nhiều lớp VĐV dưới sự dẫn dắt của thầy Công đã đạt nhiều danh hiệu quốc tế. Có người vẫn ở lại với nghề, có người theo đuổi con đường khác nhưng không một ai thầy Công quên tên cả. Nào là những VĐV gạo cội như Phạm Hồng Thắm, Vũ Quốc Huy, Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc đến những Hà Thị Kiều Trang, Phạm Trần Nguyên…đến những VĐV trẻ sau này như Nguyệt Ánh, Bích Phương…
Sau khi không còn làm công tác huấn luyện trên tuyển, thầy Công vẫn tiếp tục công việc ở Quân đội. Đến ngày 20/11, rất nhiều học trò cũ đến chúc mừng thầy, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp ở những buổi tập đến kiệt sức, hay những trận thi đấu căng thẳng nghẹt thở và đáng nhớ nhất là những thời khắc chiến thắng, nhạc quốc ca vang lên đầy hào hùng và tự hào.
Trong làng thể thao, có một người thầy rất “đặc biệt” không thể không nhắc tới-chuyên gia Joseph Donnelly. Đặc biệt ở chỗ, vị chuyên gia người Úc đã tình nguyện huấn luyện cho đội tuyển đua thuyền Việt Nam nhiều năm qua, nhưng chưa bao giờ nhắc đến chuyện lương, thưởng. Thậm chí, ông Joseph Donnelly còn kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, mua tặng đội tuyển Việt Nam một chiếc thuyền đua có giá trị 20.000 USD.
Ông Joseph đến với đua thuyền Việt Nam thật tình cờ, trong một chuyến du lịch cách đây mấy năm. Từng là VĐV đua thuyền nổi tiếng của Úc, ông Joseph nhận thấy ngay những tố chất của VĐV Việt Nam. Tuy nhiên, vị chuyên gia này ngay lập tức đưa ra nhận xét, nếu không được áp dụng các phương pháp huấn luyện hiện đại, kết hợp với việc mua mới thuyền chèo và đi tập huấn, đua thuyền Việt Nam khó mà bứt lên được.
Thế là hàng năm, ông Joseph dành dụm tiền rồi sang Việt Nam trong một thời gian dài tới vài tháng để huấn luyện cho các VĐV. Tất cả đều tự nguyện, ông Joseph không lấy một đồng nào từ đội tuyển đua thuyền Việt Nam.
Dưới sự huấn luyện của ông Joseph, đua thuyền Việt Nam tiến bộ trông thấy. Năm 2010, đội tuyển đua thuyền gây “sốc” khi giành 2 HCB Asiad. Chưa dừng lại ở đó, năm 2012 đua thuyền Việt Nam có 2 tấm vé chính thức tham dự Olympic 2012. Ngoài ra, đua thuyền còn giành nhiều huy chương châu Á, SEA Games…
Ở đội tuyển bơi, HLV Đặng Anh Tuấn nổi tiếng là người rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất tận tụy với công việc. Cũng nhờ sự tâm huyết của ông Tuấn, mà bơi lội Việt Nam mới có một Ánh Viên như ngày hôm nay. Nói như Ánh Viên, không có từ nào có thể diễn tả được hết công lao của thầy. Thầy không chỉ là một HLV, mà còn là một người cha thứ 2, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho “tiểu tiên cá” người Cần Thơ.
Ở đội tuyển bắn súng, HLV Nguyễn Thị Nhung cũng được các VĐV rất kính nể. Bà Nhung không chỉ giỏi về chuyên môn, mà với quan hệ rất tốt với bạn bè quốc tế, đã giúp rất nhiều xạ thủ được đi nước ngoài tập huấn. Tất nhiên, công lao của HLV Nguyễn Thị Nhung ít được nhiều người biết đến và cá nhân HLV kỳ cựu này cũng không có bất cứ đòi hỏi hay sự vinh danh nào.
Những thầy trong giới thể thao nước nhà, vẫn đang miệt mài, tâm huyết với nghề, nhưng lại ít được biết đến sau những thành công, những tấm huy chương chói lọi của các VĐV. Điều đó khiến cái nghề “gõ đầu trẻ” như họ càng trở nên cao quý!.
Theo Dân Trí