Có thể từ mùa giải 2016/2017 sắp tới, người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ không được thưởng thức các trận cầu hấp dẫn của giải Ngoại hạng Anh trên sóng truyền hình. Lý do là bởi quá trình đàm phán đang gặp bế tắc do mức giá siêu đắt đỏ của gói bản quyền.
Trước tình hình đó, khán giả Việt Nam đang chuẩn bị tâm lý không có món ăn Ngoại hạng Anh ưa thích vào các buổi tối cuối tuần. Phần nhiều khán giả đồng tình với việc không mua bản quyền bằng mọi giá, tức làm lợi cho các tập đoàn nước ngoài và tạo gánh nặng lên người tiêu dùng.
Bình luận trên Zing.vn, độc giả Quang Minh chia sẻ: "Tôi chấp nhận không xem Ngoại hạng Anh nếu giá bản quyền truyền hình bị chèn ép như thế. Để tiền đầu tư bóng đá nước nhà còn hơn”. Độc giả lấy tên Chelsea bình luận: “Tôi là người hâm mộ Ngoại hạng Anh, tôi cảm thấy rất trống trải nếu thiếu nó. Nhưng tôi hứa sẽ không xem nếu chúng ta phải mua với giá nghìn tỷ”.
Rất nhiều độc giả cũng chia sẻ biện pháp "sống chung với lũ" mà họ thực hiện bấy lâu nay để thỏa mãn niềm đam mê bóng đá, phổ biến nhất là theo dõi qua mạng internet hoặc xem ở các quán cafe bóng đá đông vui.
Giá mua bản quyền NH Anh tăng từ 6 triệu bảng cho gói 2010-2013 lên 22 triệu bảng cho gói 2013-2016, tức tăng 267%. |
Đồng quan điểm không mua bản quyền Ngoại hạng Anh, độc giả Nguyễn Anh cho biết: “Nên lấy số tiền khổng lồ đó để xây dựng nền móng bóng đá cho toàn xã hội còn hay hơn, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tạo cơ chế để cả xã hội cùng tập luyện thể thao”.
Bình luận về mức giá siêu đắt đỏ của bản quyền Ngoại hạng Anh, độc giả Hoàng Anh Tín so sánh thú vị: “Cứ tưởng tượng bó rau muống có 2 nghìn đồng mà người ta hét giá 15 nghìn, bản thân người dân dư sức mua, nhưng số tiền 15 nghìn đó có đáng với 1 bó rau muống hay không? Qua đó cho thấy giá trị thực của bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh, nó quá cao, tất nhiên mua thì vẫn mua được nhưng nó không đáng. Hãy là người tiêu dùng thông thái”.
Độc giả Bruce Lee phân tích tác hại của việc chạy theo đà tăng giá chóng mặt của bản quyền: “Không nên mua bản quyền Ngoại hạng Anh bằng mọi giá. Nếu không tình trạng độc quyền này sẽ ngày càng gây ra thiệt hại lớn cho khách hàng. Không được xem trên truyền hình thì mình sẽ xem trên internet. Hét giá cao quá không ai mua, rồi để xem họ sẽ bán cho ai. Rồi sẽ có lúc phải nhân nhượng khách hàng thôi”.
Bản quyền Ngoại hạng Anh là miếng bánh cực kỳ béo bở, là vũ khí cạnh tranh của một số đài. Phía K+ từng rất muốn xé rào đàm phán riêng nhưng bị các thành viên của VNPayTV phản đối. Vì vậy, độc giả Ngọc Phong nêu thuyết âm mưu: “K+ vốn đang có lượng thuê bao lớn nhất nhì, mua được bản quyền Ngoại hạng Anh 2016-2019 thì K+ càng mạnh hơn, tôi không tin K+ không xé rào”.
Tuy nhiên, thực tế khả năng xé rào khó xảy ra vì theo ông Lê Đình Cường – Tổng thư ký VNPayTV thì nếu đơn vị nào rẽ ngang để đàm phán riêng với MP&Silva, tức là họ vi phạm cam kết với VNPayTV và ban đàm phán. Đồng nghĩa với việc họ vi phạm cam kết đã báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tốc độ tăng giá phi mã của gói bản quyền NHA ở nội địa nước Anh (đơn vị tiền tệ: bảng Anh). |
MP&Silva bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2009, là một tập đoàn truyền thông và tiếp thị thể thao quốc tế.
MP&Silva hoạt động trong lĩnh vực phân phối bản quyền truyền hình của các Liên đoàn thể thao, các giải vô địch quốc gia, cũng như bản quyền truyền hình của một số sự kiện thể thao quan trọng hàng đầu thế giới.
Suốt nhiều tháng qua, hãng MP&Silva từ chối thương lượng với Ban đàm phán của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPayTV). Họ tự đi gặp mặt các nhà đài riêng rẽ để chào bán gói bản quyền Ngoại hạng Anh với giá cao. Trong đó, K+ sẵn sàng xé rào tự thương lượng với MP&Silva và chấp nhận mức giá cao ngất ngưởng, ước tính vào khoảng 70-80 triệu USD (khoảng 1500 đến 1700 tỉ đồng).
Mong muốn của K+ vấp phải sự phản đối của đơn vị khác. Sau nhiều giờ đàm phán chiều 8/4, cuối cùng K+ cũng chịu nhượng bộ và lùi lại phía sau để VNPayTV đứng ra đàm phán. Tuy nhiên mức giá VNPayTV chấp nhận bỏ ra chỉ cao hơn 20% so với mức mua gói giai đoạn 2013-2016.
Theo Zing