Một cao thủ đi du đấu, mang theo thanh gươm yêu quý, cùng lắm thủ thêm một vài ám khí. Đánh không lại thì quăng ám khí ra buộc địch phải né, tranh thủ thời gian thi triển khinh công bôi dầu vào chân chạy thoát thân. Tây Ban Nha cũng là cao thủ, nhưng lại là một cao thủ đặc biệt.
Một đội bóng có ba tuyến. Hàng phòng ngự hãy xem như nội công. Một cao thủ trước hết phải có nội công vững vàng, rồi mới ra chiêu nói chuyện với thiên hạ được. Hàng tiền đạo ví như chiêu thức. Vì nó là cái cuối cùng. Còn hàng tiền vệ thì chính là vũ khí.
Cao thủ cầm vũ khí ra trận, dựa theo vũ khí ấy mà tùy nghi đánh ra chiêu thức. Nếu anh dùng đao, chiêu thức tất nhiên phải cương mãnh. Nếu dùng kiếm, chiêu số phải uyển chuyển. Mỗi một vũ khí lại đòi hỏi một đường lối tập luyện khác nhau. Thế nên các cao thủ thường khi giao đấu chỉ sử dụng một vũ khí. Họ có thể biến hóa đa đoan với vũ khí ấy, nhưng ít khi nào chuyển sang dùng thứ khác. Nói đến Tạ Tốn thì nghĩ ngay đến Đồ Long đao, nói đến Lệnh Hồ Xung thì nghĩ ngay thanh kiếm. Một người mà vũ khí nào cũng dùng được thì chỉ có thể là Thành Long hoặc Hồng Kim Bảo.
Nhưng Tây Ban Nha là một cao thủ đặc dị. Họ có thể sở hữu rất nhiều vũ khí khác nhau, bởi hàng tiền vệ của họ thuộc hàng mạnh nhất nhì lịch sử bóng đá thế giới.
Mỗi một đội tuyển chỉ ao ước có một chuyên gia kiến tạo thôi là đã quá mừng. Anh mà có một Juan Mata thì đã có thể giễu võ giương oai, chứ đâu có đấm đá như mấy anh Sơn Đông mãi võ bữa giờ. Italia mà có một Santi Cazorla thì đã có thể đưa bóng qua trạm trung chuyển là tuyến giữa, chứ đâu có cậy vào những đường chuyền dài từ hàng phòng ngự. Với một người như Ander Herrera, Thụy Điển dư sức đi tiếp khi Zlatan Ibrahimovic chỉ lo nhiệm vụ săn bàn. Có một Isco, Cristiano Ronaldo đã tha hồ “nổ súng” cho Bồ Đào Nha.
Mata, Cazorla, Herrera và Isco chính là những vũ khí đặc dụng để xuyên qua hàng lớp phòng ngự của đối thủ. Tây Ban Nha đã bỏ cả bốn thứ vũ khí ấy ở nhà.
Nhìn vào ghế... dự bị của Tây Ban Nha, người ta thấy cả một kho vũ khí đáng thèm khác. Thiago Alcantara, Pedro, Koke, Lucas Vazquez đều là dạng cao thủ hạng nhất, đều từng vào đến chung kết Champions League. Nhưng tất cả phải ngồi xem David Silva, Cesc Fabregas và Andres Iniesta thi đấu. Cho đến lúc này, Del Bosque vẫn chỉ sử dụng duy nhất một hàng tiền vệ, giống như dùng một thứ vũ khí, cho dù ông hoàn toàn có thể dùng những vũ khí khác.
Tây Ban Nha cũng đang giống như Barcelona trong giai đoạn sau khi Pep Guardiola ra đi nhưng Luis Enrique chưa đến. Họ cứ bâng khuâng giữa việc giữ di sản cũ hay chuyển hẳn sang một thời đại mới. Hàng tiền vệ của Tây Ban Nha nhìn chung vẫn là những con người đã đá suốt hơn nửa thập kỷ qua.
Trong khi đó nếu mạnh dạn dùng Koke ngay từ đầu, lối chơi của Tây Ban Nha sẽ cực kỳ khó lường. Tiền vệ của Atletico là người có khả năng chuyển từ phòng ngự sang phản công một cách chớp nhoáng. Anh cũng đá được ở mọi vị trí nơi hàng tiền vệ. Đấy là một quân bài rất đáng thử.
Tây Ban Nha có một pho vũ khí dồi dào, đấy là mơ ước của mọi đối thủ. Vấn đề là họ vẫn chưa dám mạo hiểm sử dụng tất cả những gì mình có. Người Italia rất hiểu Tây Ban Nha. Sao Del Bosque không gây bất ngờ cho họ bằng cách vứt bỏ thanh gươm mà xách một thanh đao to nặng ra đánh. Có thể họ không quen, nhưng... đối phương cũng thế.