Cứ mỗi lần Tây Ban Nha gặp Italia, lịch sử bóng đá châu Âu dường như lại có một sự thay đổi. Liệu lần này, bánh xe lịch sử có tiếp tục đổi chiều trong một cuộc thư hùng vốn đã có quá nhiều duyên nợ?
Italia từng là “ông kẹ” đối với Tây Ban Nha. Suốt 74 năm trời, tức là từ tứ kết EURO 2008 đổ về trước, Tây Ban Nha cứ gặp Italia ở các giải đấu chính thức là từ hòa đến bại. Mà đấy đều là những thất bại với tỷ số sít sao và tàn nhẫn.
Lấy cuộc thư hùng chính thức đầu tiên giữa hai đội tại tứ kết World Cup 1934 làm ví dụ. Trận đấu hòa 1-1 và phải đấu lại. Và ở trận đấu lại ấy, Tây Ban Nha có đến hai lần bị trọng tài từ chối bàn thắng khi bóng đã vào lưới Italia. Cuối cùng, họ cay đắng chấp nhận rời giải sau pha lập công duy nhất của Giuseppe Meazza.
Khi Tây Ban Nha gặp Italia ở vòng bảng EURO 1988, trận đấu vô tình trở thành sân khấu để người Ý giới thiệu một viên ngọc nơi hàng thủ tên Paolo Maldini. Hôm ấy, hậu vệ mới 19 tuổi này đã “rút phích” ngôi sao lớn nhất bên phía La Roja là Michel trước khi Gianluca Vialli ghi bàn duy nhất cho Azzurri với một pha lên bóng thần tốc.
World Cup 1994, một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất là gương mặt đầy máu của Luis Enrique, sau khi hứng trọn cú giật chỏ của Mauro Tassotti. Sau khi xem lại băng ghi hình, FIFA quyết định treo giò hậu vệ người Italia đến 8 trận. Nhưng trong trận tứ kết ấy, Tassotti vẫn đá trọn cả trận. Đấy là hình ảnh tiêu biểu cho sự tương phản của hai nền bóng đá. Tây Ban Nha chơi đẹp mắt nhưng chân phương, thậm chí ngây thơ. Còn Italia thì thực dụng đến mức xảo quyệt.
Mãi đến trận tứ kết EURO 2008, Tây Ban Nha mới vượt qua cái dớp ấy. “Các cầu thủ của tôi ai cũng hồi hộp”, HLV Luis Aragones của Tây Ban Nha ngày ấy nói. “Nhưng tôi nói với họ: chúng ta mạnh hơn nhiều và sẽ đi tiếp thôi”. Và Bò tót thắng 4-2 trên chấm luân lưu.
Chết đi sống lại
Rốt cục, “Nhà hiền triết xứ Hortaleza” đã đúng. Dù chỉ có thể vượt qua Italia sau loạt sút luân lưu, nhưng Tây Ban Nha cũng đã gỡ được tảng đá đè nặng lên ngực họ suốt mấy chục năm trời. Họ không chỉ vượt qua cái dớp thua người Ý mà còn vượt qua cái dớp hay thua phạt đền, cái dớp run sợ vào những thời điểm then chốt. Để rồi sau khi cất bỏ tảng đá ấy, Tây Ban Nha lột xác.
Họ vô địch EURO 2008, giành danh hiệu đầu tiên sau 44 năm rồi thẳng tiến đến chức vô địch World Cup 2010. Tái ngộ Italia ở chung kết EURO 2012, Tây Ban Nha đè bẹp đối thủ đến 4 bàn không gỡ và lên ngôi, dù trước đó hai đội từng hòa nhau ở vòng bảng.
Tức là từ cột mốc EURO 2008, Italia đổi vai trò, xuống ở thế yếu khi đá với Tây Ban Nha. Thế nên trước trận đêm nay Giorgio Chiellini mới nói: “Từ năm 2008, Tây Ban Nha rất hay gieo sầu cho chúng tôi. Tôi thích từ báo thù, và tôi muốn chúng tôi thực hiện điều đó lần này”.
Italia của hiện tại không khác mấy với Italia của EURO 2008 nếu xét về vị thế. Hãy đọc lại những gì Aragones nói ngày ấy: “Italia chả phải là đối thủ tôi muốn gặp ở tứ kết. Đá với họ phức tạp vô cùng. Vì nhiều khi họ ngỡ như đã chết, thậm chí là chôn rồi, nhưng đột nhiên họ sống lại và mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Một Tây Ban Nha không còn ở đỉnh cao phong độ chạm trán một Italia đang cố vươn lên từ đống tro tàn. Cuộc thư hùng kinh điển này tất nhiên rất đáng xem bởi mỗi cuộc chạm trán giữa họ lại là mỗi lần lịch sử có thể sang trang.