Nhìn từ VL World Cup 2018: Những gì hay nhất còn ở phía trước

Thứ năm, 12/10/2017, 13:28
Cái cách ĐT Đức và ĐT Argentina giành vé đi World Cup 2018 hoàn toàn trái ngược nhau, một đội thong dong còn một đội chật vật, nhưng kết quả đó sẽ không bao giờ là đại diện cho phong độ của họ vào mùa Hè sang năm.


Đức thắng tuyệt đối 10 trận vòng loại, ghi đến 43 bàn trên đường đến Nga để bảo vệ danh hiệu vô địch World Cup. Ngược lại, Argentina - đội đã đá trận chung kết World Cup 2014 với Đức - phải đợi đến loạt trận vòng loại cuối cùng ở khu vực Nam Mỹ mới kịp lấy vé phó hội kỳ này. Họ “chỉ” ghi 19 bàn trong 18 trận - nhiều hơn đúng một đội khác ở Nam Mỹ là Bolivia.

Từ đó, chúng ta có thể kết luận khả năng của Đức và Argentina tại VCK World Cup trong năm sau? Không hề. Hoặc nói đúng hơn, đấy là những chuyện... chẳng liên quan gì.

Italia thậm chí còn không được như Argentina trong lúc này. Họ còn phải kiên nhẫn, và phải cố gắng, đá thêm 2 trận play-off ở châu Âu, mới biết có vé tham dự World Cup hay không. Nếu có, đấy là... vé vớt, theo cách gọi cũ, trong thời kỳ mà biện pháp đá play-off còn chưa phổ biến ở vòng loại của các giải đấu lớn.

Bây giờ khác hẳn. Nằm chung bảng với Tây Ban Nha, Italia đâu có điều gì đáng trách khi rút cuộc họ “chỉ” về nhì và đá play-off! Nếu không phải là Italia thì gánh nặng đá play-off lại rơi vào Tây Ban Nha. Cũng vậy, dĩ nhiên một trong hai đội Thụy Sỹ hoặc Bồ Đào Nha phải đá play-off, chủ yếu do các trận đấu trực tiếp giữa họ quyết định. Mãi đến loạt đấu cuối cùng, Bồ Đào Nha mới được thở phào nhẹ nhõm với vé chính thức đi Nga. Nhưng đấy chẳng qua là vì trận sân nhà của họ rơi vào loạt đấu cuối cùng.

Thắng đến 9/10 trận vòng loại mà Thụy Sỹ vẫn... chưa được phát vé. Nhưng nếu mọi chuyện diễn ra êm xuôi ở vòng play-off, và nếu không có thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng FIFA tháng 10 sắp được công bố (ngày 16/10), thì chính đội Thụy Sỹ “phải tranh vé vớt” này sẽ nằm trong nhóm hạt giống tại VCK World Cup. Tư cách “hạt giống” hiện đã thuộc về Argentina - đội bóng mà ai cũng thấy là vừa vượt qua vòng loại một cách khổ sở như thế nào. Có thể kết luận điều gì?


Sự thể hiện ở vòng loại không nhất thiết phải nói lên khả năng đích thực của các đội bóng sẽ tranh tài ở VCK World Cup. Lần gần đây nhất vô địch World Cup (2002) của ĐT Brazil cũng chính là kỳ World Cup mà Brazil đối diện nguy cơ bị loại... lớn nhất trong lịch sử.

Nguyên nhân khác biệt có thể thuộc về chuyên môn. Argentina chuệch choạc vì cách chơi nặng về pressing của HLV Jorge Sampaoli đòi hỏi phải có thời gian tập nhiều. Cách chơi ấy, trong điều kiện tốt hơn, chẳng hạn như 1-2 tuần tập kỹ trước World Cup, có thể sẽ được phát huy rực rỡ. Vòng loại “hối hả” như vừa qua lại không phải là điều kiện tốt. Đấy chỉ là một ví dụ.

Điều kiện khách quan là ví dụ khác, như Italia hoặc Thụy Sỹ đã nêu. Mỗi đội mỗi cảnh. Đức toàn thắng 10 trận một phần vì họ gần như không gặp đối thủ thực sự. Với Pháp, Luxembourg cũng không phải là đối thủ thực sự. Nhưng khi Pháp không thắng nổi Luxembourg thì nguyên nhân có thể là vì khi ấy HLV Didier Deschamps chủ yếu chỉ muốn xem kỹ năng lực cá nhân của từng cầu thủ, hơn là chuẩn bị chiến thuật cho một trận đấu thật sự. Đấy là việc của Deschamps - người đang đau đầu với bài toán hóc búa “nên bỏ ai” giữa hàng chục ngôi sao Pháp.

Chắc chắn một điều: không thể nhìn vào trận Pháp chỉ hòa Luxembourg để xem thường Les Bleus trước thềm World Cup, cũng không thể chê bai Argentina vì hành trình quá vất vả của họ, hoặc Cristiano Ronaldo và đồng đội chỉ kịp lấy vé chính thức vào giờ chót. Có khả năng (hơi cao) là Italia và Thụy Sỹ rồi cũng sẽ đến Nga qua ngả play-off. Và khi ấy, càng không thể xem thường các đội này với lý do họ phải đá play-off. Những gì hay nhất của World Cup 2018 vẫn còn đang ở phía trước, chứ không bao giờ là những hình ảnh vừa qua.

Theo BongdaPlus

Các tin cũ hơn