Xu hướng phòng ngự tích cực

Thứ sáu, 22/06/2018, 16:38
Sau trận hòa tai hại trước Iceland, Messi đã trách cầu thủ Iceland không chịu chơi bóng. Thực ra thì họ rất chịu chơi bóng, rất chịu chạy đấy, chỉ có điều là họ chơi… phòng ngự

Vòng chung kết Euro 2004 tại Bồ Đào Nha, đội Hy Lạp với phong cách "phòng ngự nêm cối" đã lên ngôi vô địch, sau khi đánh bại chủ nhà với ngôi sao trẻ Ronaldo bằng một bàn thắng duy nhất.

Sau Euro ấy, lối chơi tiêu cực của Hy Lạp đã bị chỉ trích dữ dội và đội bóng này cũng không thể phát triển được. Dĩ nhiên, họ không phát triển được do kinh tế, Hy Lạp vỡ nợ quốc gia, chứ không phải do chơi phòng ngự.

Chính Bồ Đào Nha, sau bài học thất bại trước Hy Lạp, đã xây dựng một lối chơi phòng ngự tích cực với hàng hậu vệ và cặp tiền vệ trung tâm, đồng thời chơi phản công nhanh xoay quanh siêu sao Ronaldo. Lối chơi này đã đưa Bồ Đào Nha tới chức vô địch Euro năm 2016, nghĩa là phải sau 12 năm họ mới thành công.

Bóng đá luôn phát triển, chiến thuật và triết lý bóng đá cũng phát triển. Bây giờ, trừ những đội thua cuộc trước lối chơi phòng ngự chặt, phản công nhanh là chê bai lối chơi này, còn rất nhiều đội bóng đã áp dụng lối chơi ấy. Những hậu vệ tài ba và đa năng đang trở thành hàng quý và hiếm, được săn đón khắp nơi trên thế giới.

Dĩ nhiên, những ngôi sao sáng nhất, được người xem và truyền thông ca ngợi nhiều nhất thường vẫn là những ngôi sao tiền đạo. Nhưng một đội bóng nếu không có một thủ môn xuất sắc, không có hàng phòng ngự vững chắc thì dù có ngôi sao trên hàng tấn công, họ cũng không thể đi được xa, nhất là ở những giải đấu lớn diễn ra dài ngày như VCK World Cup.

Bồ Đào Nha (áo trắng) đang là đội tiêu biểu cho lối chơi phòng ngự tích cực. Ảnh: REUTERS.

Sau trận hòa tai hại trước Iceland, Messi đã trách cầu thủ Iceland không chịu chơi bóng. Thực ra thì họ rất chịu chơi bóng, rất chịu chạy đấy, chỉ có điều, họ chơi… phòng ngự và chạy nhiều vì phải di chuyển suốt chiều dài mặt sân.

Họ như đội đặc nhiệm, luôn có mặt ở những điểm nóng và luôn biết tập trung với số đông. Để ngăn chặn. Để tháo ngòi nổ. Để cướp bóng cho những pha phản công nhanh.

Iceland không hề chơi phòng ngự bị động và nhiều đội bóng khác tại World Cup này cũng chơi phòng ngự nhưng không bị động. Cả ba đội Uruguay, Bồ Đào Nha và Iran đều áp dụng lối chơi này trong lượt trận đêm 20 rạng sáng 21-6. Chỉ có Iran là thua sát nút Tây Ban Nha, còn Bồ Đào Nha và Uruguay đều thắng, dù với tỉ số tối thiểu.

Hồi trước, những đội chơi phòng ngự thường là những đội yếu, những đội "kèo dưới". Bây giờ thì không hẳn vậy. Phòng ngự chủ động đã thành một triết lý bóng đá, thậm chí là triết lý thời thượng, được rất nhiều đội bóng áp dụng.

Trình độ giữa các đội bóng tại World Cup này đã gần nhau thấy rõ, vì vậy, không thể dùng lối chơi "tấn công tổng lực" hay "đàn áp" để thắng trận. Sự khiêm nhường đã trở lại sân cỏ và rất nhiều HLV chọn lối chơi khiêm nhường cho đội bóng của mình.

Khiêm nhường không có nghĩa là lép vế. Chơi biết người biết ta, đề ra đấu pháp thích hợp với từng đối thủ là việc không thể không làm. Phòng ngự tích cực để hạn chế tối đa những rủi ro và theo lý thuyết lò xo thì càng nén chặt càng bật mạnh, lối chơi phòng ngự tích cực, phản công sắc bén đã thành lối chơi của những người minh triết.

Trong lối chơi ấy, vai trò của những ngôi sao tấn công lại hết sức quan trọng. Họ chịu trách nhiệm toàn bộ về những đợt phản công và gánh luôn phần ghi bàn. Ronaldo là tiêu biểu cho vai trò và lối chơi này.

Phòng ngự tích cực để hạn chế tối đa những rủi ro và theo lý thuyết lò xo thì càng nén chặt càng bật mạnh.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn