|
Dù là cầu thủ tấn công, Quang Hải rất tích cực tranh cướp bóng với cầu thủ Nepal ngay từ phần sân đối phương. |
Theo ông, đâu là điểm ấn tượng nhất trong chiến thắng của Việt Nam trước Nepal?
Chưa nói đến chuyện chênh lệch trình độ, nhưng thú thật là chưa bao giờ tôi thấy một đội bóng của Việt Nam chơi pressing tầm cao hay thế. Các cầu thủ giữ được cự ly đội hình, liên tục áp sát, tranh và giành bóng hiệu quả. Ba trung vệ phía sau chơi tập trung, hỗ trợ bọc lót tốt. Chỉ có điều khi giành bóng và chuyển trạng thái tấn công, phản ứng của cầu thủ chưa được nhanh lắm.
Dấu ấn của HLV Park Hang-seo trong đấu pháp này như thế nào?
Trong quá trình chuẩn bị cho Asiad 2018, tôi thấy ông sử dụng nhiều hệ thống chiến thuật, lúc thì phòng ngự triệt để, lúc thì pressing tấn công. Về mặt thể lực, cầu thủ có sự cải thiện rõ rệt, đủ để gây sức ép với cường độ cao một cách liên tục. Cái hay của HLV Park Hang-seo là xây dựng được một hệ thống chiến thuật đa dạng, rõ nét.
|
Hùng Dũng (số 18) là ông chủ ở tuyến giữa Việt Nam tối 16/8. Anh cùng hai đàn em ở Hà Nội là Đức Huy, Quang Hải luân chuyển bóng hợp lý và tạo được sức ép thường trực lên phần sân Nepal. |
Tại sao ông Park quyết định sử dụng thứ vũ khí này?
Nguyên nhân chính nằm ở chỗ Nepal yếu, kiểm soát bóng không tốt. Có vậy chúng ta mới sử dụng pressing tầm cao. Trong màu áo CLB, các tuyển thủ ít khi thực hiện lối chơi này. Vì thế, khi thực hiện ở đội tuyển, tôi thấy việc pressing chỉ thực sự hiệu quả trong hiệp một.
Cách tấn công phối hợp một - hai nhịp nhàng ở trung lộ, giữ bóng chắc và không vội chuyển ra biên là một lối chơi rất hiện đại. Cầu thủ sau khi hút đối phương tập trung vào giữa, sẽ mở rộng ra biên và tạt nhanh. Khi hàng phòng ngự đối phương liên tục phải di chuyển bị động như vậy, sai sót về vị trí, tư thế sẽ xuất hiện. Bàn thắng của Anh Đức là kết quả của một pha dàn xếp như thế.
Ở trận gặp Nhật Bản, liệu ông Park có sử dụng đấu pháp này không?
Rất khó. Có lẽ chúng ta chỉ áp dụng chiến thuật này trong một vài thời điểm. Để thực hiện tốt pressing tầm cao, đẳng cấp của chúng ta phải ngang hoặc cao hơn đối thủ, nhằm phá vỡ hàng phòng ngự đối phương. Gặp những đối thủ mạnh, nếu không đủ thể lực và giữ được sức ép liên tục, họ thoát pressing là mình vỡ trận ngay.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đá phòng ngự phản công, nhưng không phải phòng ngự hoàn toàn như giải U23. Có thể chúng ta sẽ pressing một phần, tùy thời điểm. HLV Park Hang-seo trong đợt tập trung này đã cho đội tập nhiều lối đá khác nhau. Tôi nghĩ, Việt Nam sẽ duy trì lối đá pressing từ giữa sân và tranh chấp quyết liệt ở khu vực này, chứ không lùi sâu về phòng ngự số đông.
|
Văn Thanh thường xuyên dâng cao bên hành lang phải. Anh có một tình huống dứt điểm ngay rìa vòng cấm trong hiệp một, suýt chuyển thành bàn thắng. |
Ông nghĩ cái tên nào sẽ tỏa sáng khi gặp Nhật Bản?
Các tuyển thủ Olympic hiện nay rất đồng đều. Trong trận gặp Nepal, cả Văn Quyết, Công Phượng lẫn Xuân Trường đều dự bị nhưng những người còn lại vẫn chơi tốt. Ví như Anh Đức, thuộc hàng "lão làng" nhưng vẫn rất chịu khó di chuyển, làm tường, phối hợp nhịp nhàng với các em trẻ. Cách chơi của HLV Park Hang-seo luôn dựa trên sức mạnh tập thể.
Nếu để chọn một người có thể tỏa sáng, tôi nghĩ cái tên ấy sẽ nằm trong số những nhân tố đã chơi toàn bộ các phút. Riêng tôi hy vọng vào Quang Hải. Cậu ấy giữ được sự ổn định, và chơi trận sau tốt hơn trận trước.
Theo VNE