Sản phẩm vừa được phát hiện chứa chất chứa chất phthalate độc hại vượt mức cho phép ít nhất 300 lần là vịt con đồ chơi trẻ em không nhãn mác.
Gần đây, đồ chơi bóng bơm hơi có độc chất liên tục bị phát hiện |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam (QLCLSPHHMN) Trần Văn Xiêm, 5/5 mẫu đồ chơi trẻ em đoàn liên ngành lấy ngày 3/1 (4 mẫu bóng bơm hơi các loại, 1 mẫu vịt con, không nhãn mác xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc) tại 2 cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Ngô Nhân Tịnh đều phát hiện chứa chất phthalate gấp 300 - 400 lần mức cho phép.
Trước đó, ngày 1/1, Tổng cục tiêu chuẩn chất lượng VN đã phát hiện chất độc phthalate gây ung thư, gây hại cho phát triển trí não ở trẻ em và vô sinh ở nam giới, trong sản phẩm búp bê đầu trái cây xuất xứ Trung Quốc.
Cuối tháng 12/2013, Chi cục QLCLSPHHMN khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm đã phát hiện bóng bơm hơi Trung Quốc (bóng bơm hơi loại lớn, có gai) chứa độc chất phthalate gấp 400 lần so với mức cho phép.
Điều đáng lo ngại theo ông Trần Văn Xiêm là qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, hầu như mỗi năm đều có sản phẩm bị phát hiện chứa chất độc hại nên người bán đã dùng nhiều cách đối phó với lực lượng kiểm tra. Ví dụ, khi mặt hàng thú nhún bị phát hiện chứa chất phthalate, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra mặt hàng này thì chất độc lập tức được chuyển sang sản phẩm búp bê đầu trái cây, bóng bơm hơi, vịt cao su.
Theo một chuyên gia, sở dĩ hàng độc hại biến hóa khôn lường, khó kiểm soát là do các cơ quan quản lý không nắm được tận gốc các đối tượng cung cấp mặt hàng này. Hầu hết các hàng độc hại trên thị trường hiện nay đều không xuất xứ, không nhãn mác, không biết công ty nào nhập khẩu. Nên khi phát hiện hàng không thể buộc đơn vị sản xuất, phân phối thu hồi sản phẩm mà chỉ tiến hành thu hồi, xử phạt hành chính. Nhưng khi mọi chuyện "im ắng" thì các mặt hàng này lại được đưa ra thị trường.
“Kiểm tra các đơn vị sản xuất, nhập khẩu đồ chơi trẻ em phát hiện rất nhiều cơ sở “ma”. Dù có giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập công ty nhưng thực tế kiểm tra không có địa chỉ như đăng ký hoặc có địa chỉ nhưng không có cơ sở, công ty hoạt động. Tuy vậy, trên nhãn mác vẫn ghi tên công ty, địa chỉ này”, đại diện Chi cục QLCLSPHHMN cho biết.
Không chỉ có đồ chơi trẻ em, trên thị trường còn xuất hiện nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hay là hàng Trung Quốc nhưng được dán mác hàng Việt Nam.
Ngày 9/1, lực lượng chức năng kiểm tra container bị bắt giữ vào ngày 8/1, phát hiện nhiều chủng loại hàng hóa như máy móc, thiết bị y tế, vải may mặc, mỹ phẩm...Tất cả các mặt hàng đều được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại ghi sản xuất ở Long Thành, Đồng Nai.
Theo Đất Việt