Đây là hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp 2014 (Parade Pangan Nusantara 2014) diễn ra từ ngày 15 đến 19-1. Ông Hoa được ban tổ chức hội thảo “đặt hàng” chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với chủ đề “Con đường thành công để xây dựng thương hiệu trái cây mang tầm quốc gia”.
Ông Lê Văn Hoa thực hành kỹ thuật chụp lưới tạo bưởi không hạt - Ảnh: Ngọc Tài |
Nhà sáng kiến nông dân
Hiện tại, 5.000m2bưởi của ông Hai cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, hằng năm ông cung cấp cho người dân xa gần hơn 20.000 cây bưởi giống, do một tay ông chiết nhánh và chỉ chọn những cây giống tốt nhất để bán. |
Gặp chúng tôi, ông Hoa cho biết lúc đầu nghe Viện Cây ăn quả miền Nam thông báo được hội thảo quốc tế mời sang chia sẻ kinh nghiệm, “cứ tưởng họ nói chơi không chứ ai ngờ được đi thiệt”.
Trước ngày lên đường, trở thành “diễn giả” nông dân VN chia sẻ kinh nghiệm trước nhiều chuyên gia của quốc tế, ông Hoa thừa nhận cũng cảm thấy bồn chồn nhưng tự tin cho rằng “mấy chục năm làm nông dân sẽ là hành trang để đến với cuộc hội thảo này”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi của gia đình, ông Hoa cho biết vườn bưởi này khác biệt so với những vườn cạnh bên không chỉ vì bưởi tươi tốt, trái đặc biệt to mà còn bởi nhiều “phụ tùng” treo lủng lẳng trong vườn. Những sợi dây xanh đỏ, lưới đen và những lồng làm bằng kẽm, đó là cách ông sáng tạo ra giống bưởi da xanh không hạt.
“Tui quan sát thấy con ong khi hút mật thì hai chân chạm vào bầu nhụy của hoa và vô tình mang phấn thụ phấn cho hoa khác. Tôi bật ra suy nghĩ có thể con ong đem phấn và thụ phấn chéo thì bưởi sẽ có hạt” - ông Hoa chia sẻ.
Nghĩ là làm, ông Hai Hoa liền thực hành bằng cách chụp lưới vào những chùm hoa bưởi ngăn cản ong tiếp cận hoa nhằm tránh cho quả bưởi kết hạt sau khi ra trái, rồi đánh dấu những hoa đã được chụp lưới. Cuối mùa thu hoạch, ông Hai Hoa bổ trái bưởi ra, quả là bưởi không có hạt.
Ông mừng quá reo lên: “Thành công rồi!” nhưng chưa dám công bố rộng rãi. Thêm hai mùa thử nghiệm chụp lưới hoa bưởi, tất cả trái bưởi được ông xử lý thật sự không có hạt.
Cũng theo ông Hoa, qua quan sát thực tế hằng ngày dưới gốc bưởi, ông đã bật ra suy nghĩ xử lý bưởi ra hoa theo ý muốn.
“Lúc cây bưởi chuẩn bị ra hoa, tui tự sáng kiến ra cách lặt lá bưởi để điều chỉnh vị trí ra hoa theo ý muốn. Nói là sáng kiến chứ thật ra tui quan sát cây bưởi ngày này qua ngày khác biết nhánh nào khỏe, đủ sức ra hoa thì tui lặt lá để kích thích cây tiết nhựa rồi ra hoa ở ngay nhánh đó” - ông Hoa nói.
Khi câu chuyện ông Hoa xử lý bưởi ra hoa theo ý muốn được nhiều người biết đến, nhiều nông dân và cả những nhà khoa học cũng đến tham quan và tìm hiểu, ông Hoa sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Sau thành công đó, ông Hai Hoa được gợi ý đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhưng ông thẳng thừng từ chối.
“Tui gần đất xa trời rồi, chỉ sợ không thể chia sẻ với mọi người những gì tui biết. Đăng ký bản quyền, ích kỷ giữ cho mình để làm gì. Càng nhiều người biết kỹ thuật này tui còn cảm ơn nữa. Vậy thì nông sản của VN mới vững mạnh được” - ông Hoa chia sẻ.
Tôi là nông dân Việt
Hội chợ Parade Pangan Nusantara tổ chức tại Indonesia với sự góp mặt của nhiều nước trong khối Asean, với nhiều hoạt động như triển lãm sản phẩm nông nghiệp quốc tế, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của nông dân Indonesia và nông dân trong khối Asean, triển lãm công cụ, máy móc phục vụ nông nghiệp... Trong kế hoạch tổ chức, ông Hai Hoa là nông dân duy nhất được chọn chia sẻ kinh nghiệm làm nông trước hội thảo. |
“Tui là nông dân VN, tên Lê Văn Hoa. Tui đang trồng bưởi da xanh ruột hồng, giống bưởi có nhiều tiềm năng kinh tế, gắn chặt và rất bền vững với nhà vườn chúng tui...” - ông Hoa đọc thử đoạn mở đầu bản tham luận mà ông chuẩn bị cho buổi hội thảo sắp tới cho chúng tôi nghe.
Rồi ông Hoa say sưa trình bày: Muốn xử lý ra hoa theo ý thì ngay chu kỳ ra đọt (nảy chồi) của cây bưởi (trung bình 2 tháng/lần) phải làm ngay.
Khi quan sát thấy lá trên đọt ngả già, theo chu kỳ cây chuẩn bị ra đợt đọt mới và nếu muốn xử lý cho cây ra hoa thì phải bổ sung một lượng dinh dưỡng thích hợp cho cây như bón bổ sung NPK...
Ông Hoa cũng cho biết mục đích của biện pháp chụp lưới vào hoa bưởi nhằm khắc phục triệt để hiện tượng thụ phấn chéo từ những cây họ cam quýt với cây bưởi trong khu vực canh tác.
Để bao chụp chùm hoa chỉ cần tạo một lồng kẽm nhỏ đường kính khoảng 1cm, cao 1,2cm và một tấm lưới có lỗ nhỏ đảm bảo ngăn chặn các loại ong, bướm chui vào thụ phấn hoa.
Khi hoa bưởi sắp nở (cánh hoa màu trắng muốt) thì nông dân dùng chiếc lồng đã tạo sẵn để bao chụp và dùng tấm lưới phủ kín bên ngoài lồng, cột giữ chặt chiếc lồng đến khi hoa bưởi đã nở hoàn toàn, sau 3-5 ngày thì tháo bỏ chiếc lồng ra.
“Việc xử lý trái bưởi trên nhánh và bao chụp chùm hoa bưởi mang đến kết quả là trái bưởi phát triển rất tốt, tránh được nắng chiếu trực tiếp, tạo ra phẩm chất tuyệt đối và đặc biệt là trái bưởi không hạt. Biện pháp canh tác này góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi vì tiết kiệm được chi phí đầu tư, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng” - ông Hoa khẳng định.
Trả lời câu hỏi “có run không” khi trình bày trước bao nhiêu nhà khoa học, ông Hoa cười giòn: “Tui còn trông họ hỏi thiệt nhiều. Vì như vậy tui mới nói hết ý cho quốc tế biết được cách nông dân Việt sáng tạo như thế nào”.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - khẳng định ông không quá bất ngờ khi một hội thảo quốc tế lại mời nông dân Việt sang chia sẻ kinh nghiệm làm nông.
Nói về ông Hai Hoa, TS Châu cho biết: “Dù chỉ có năm công bưởi da xanh nhưng anh Hoa canh tác rất hiệu quả, kinh tế ổn định. Anh Hoa cũng có rất nhiều sáng kiến trên cây bưởi được chúng tôi ghi nhận”.
Theo Tuổi Trẻ