Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù đã có văn bản pháp luật quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, vi phạm sẽ bị xử phạt và truy tố trách nhiệm hình sự, tuy nhiên dân buôn lậu, nhất là cư dân vác thuê khu vực biên giới vẫn chưa quan tâm đến các quy định này, bất chấp để kiếm lợi nhuận.
Siết kiểm tra, tăng tuyên truyền
Theo ông Đỗ Thanh Lam, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng lưu trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên thị trường. Lực lượng QLTT cả nước sẽ tăng cường việc kiểm soát thị trường nội địa. Rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, các điểm tập kết, cất giữ, bán buôn thuốc lá nhằm thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình để thực hiện tốt hơn việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc lá. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, kém chất lượng.
Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền chống thuốc lá lậu, thuốc lá giả thông qua nhiều hình thức, trước hết là dán áp phích tại các tỉnh, thành cảnh báo mức phạt tù cao nhất dành cho các đối tượng buôn và vận chuyển thuốc lá lậu. Đây là hoạt động cảnh báo đầu tiên nằm trong chiến dịch quy mô lớn đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Cục QLTT trong thời gian tới.
Vận chuyển thuốc lá lậu tại Châu Đốc, An Giang. |
Nội dung áp phích cảnh báo người dân nếu vi phạm trong việc buôn bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu sẽ bị phạt tù tới 15 năm. Căn cứ vào Nghị định 43/2009 và Thông tư liên tịch số 36/2012 của các bộ Công Thương, Công an, Y tế, Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ từ 1.500 đến dưới 4.500 gói thuốc lá sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; từ 4.500 đến dưới 13.500 gói bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù 3-7 năm; từ 13.500 gói trở lên bị phạt tù 7-15 năm.
Ông Lam cho biết kể từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý trên 5 triệu bao thuốc lá lậu, gần 100 đối tượng buôn lậu thuốc lá đã bị xử lý hình sự và bị phạt tù.
Cần tăng mức hỗ trợ cho cơ quan chức năng
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), cho biết việc triển khai thông tư mới với các chế tài nặng cũng như nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan chức năng sẽ giúp đẩy lùi thuốc lá lậu, đảm bảo ngân sách nhà nước không bị thất thu thuế và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp ở trong nước.
Tuy nhiên, để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VTA kiến nghị hiệp hội tiếp tục đề nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho lực lượng QLTT bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá lậu từ 1.100 đồng/bao (hiện hành) lên 3.500 đồng/bao. Hiệp hội đã tích cực đóng góp kinh phí hỗ trợ cho công tác bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá; trong giai đoạn 2007-2013, hiệp hội đã đóng góp tổng số tiền 43,6 tỉ đồng cho các chương trình, hoạt động phòng chống thuốc lá lậu.
Cũng theo ông Nghiệp, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng nên tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình tăng dần, phù hợp với tình hình thực tế. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho dừng việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo quy định Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề nghị Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cần nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các loại nguyên phụ liệu có chất lượng, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thuốc lá sang trung và cao cấp. VTA tiếp tục kết nối doanh nghiệp ngành thuốc lá, có chiến lược phát triển phù hợp cho ngành để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập lậu, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời VTA cần tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá; tham gia xây dựng chính sách vĩ mô để ngành thuốc lá phát triển đúng chủ trương, định hướng của Nhà nước.
Nước ngoài xử phạt nặng việc mua, bán thuốc lá lậu Một chuyên gia về thuế cho biết tại Malaysia, Singapore, người dân và du khách thực hiện nghiêm việc hút thuốc lá đúng nơi quy định. Các cơ sở sản xuất thuốc lá ngoài việc in cảnh báo đầy đủ tác hại trên bao thuốc còn phải in ký hiệu mã vạch trên từng điếu thuốc để chống hàng nhập lậu, hàng giả. Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện người bán, cũng như người mua hàng nhập lậu, hàng giả, chỉ cần một gói thuốc lá trở lên là phạt rất nặng bằng tiền, tùy mức độ sai phạm sẽ bị xử hình sự… Việt Nam cần áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn nữa ở một số mặt hàng, trong đó đặc biệt là thuốc lá, rượu, bia. Mặt khác, cần quy định mức giá tối thiểu cao hơn giá bán hiện nay cho mỗi bao thuốc lá (loại 20 điếu, có thể tăng gấp đôi). Đồng thời cũng cần có các giải pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống buôn lậu. Jet, Hero chiếm 90% thuốc lá nhập lậu Bộ Công Thương vừa có báo cáo hoạt động thị trường thuốc lá tám tháng năm 2014. Theo đó, sản lượng thuốc lá bao các loại tháng 8 ước đạt 358,5 triệu bao, giảm 5,4% so với tháng 8 năm 2013; tính chung tám tháng ước đạt 2,7 tỉ bao, giảm 11,2% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, tình hình thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp, hiện thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường nội địa đang có chiều hướng gia tăng với khoảng 100 nhãn; trong đó, hai nhãn chủ yếu là Jet và Hero, chiếm 90% tổng số thuốc nhập lậu. |
Theo PLO