Cấm bán ở vỉa hè, liệu bia Việt có "sang" hơn?

Thứ sáu, 05/09/2014, 07:33
Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về kinh doanh bia và cấm bán bia ở vỉa hè. Đồng nghĩa, muốn kinh doanh chủ những quán bia nhỏ lẻ sẽ buộc phải “lên đời" quán của mình thành nhà hàng sang trọng?

Bản dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi dư luận, xã hội, các bộ, ngành liên quan.

Xóa cảnh “nhếch nhác” bia vỉa hè

Cụ thể, Bộ Công Thương quy định trong dự thảo Nghị định sẽ cấm các thương nhân kinh doanh bia tại các địa điểm: Trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè. Bia cũng cấm bán cho người dưới 18 tuổi, người có biểu hiện say bia, say rượu; phụ nữ có thai hoặc trong thời gian đang cho con bú; cho người đang có bệnh lý về lạm dụng sử dụng bia, rượu…

Ngoài ra, mọi cơ sở sản xuất bia đều sẽ phải xin giấy phép sản xuất bia, ngay cả cơ sở sản xuất phục vụ tiêu dùng tại chỗ cũng phải xin giấy phép. Bia khi ra thị trường tiêu thụ phải ghi rõ thành phần, hàm lượng và cả tác hại của việc lạm dụng bia. Ngoài ra, bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đều sẽ phải dán tem để kiểm soát.

Như vậy, theo những quy định mà cơ quan soạn thảo chắp bút trong dự thảo nghị định đối với mặt hàng bia, thì có thể tới đây những quán "bia cỏ", hộ kinh doanh bia vỉa hè nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa. Thay vào đó, bia Việt sẽ được “lên đời” và chỉ có mặt ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Uống bia vỉa hè đã trở thành "văn hóa" của người Việt, liệu có dễ bỏ?

Ngay khi bản dự thảo này được Bộ Công Thương đưa lên cổng thông tin để “trưng cầu dân ý” đã vấp phải ngay những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc “siết” quản lý đối với mặt hàng bia để tránh gây hệ lụy đáng tiếc cho xã hội là cần thiết, nhưng cách “quản” phải khoa học, chứ không thể đưa ra phương án cấm đoán hành chính và khơi khơi như vậy.

Xoay quanh những nội dung gây tranh cãi trong dư luận của bản dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia, trao đổi với PV, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) - đơn vị tham mưu soạn thảo dự thảo Nghị định này, cho hay, cơ quan này “không nghĩ ra những quy định trên”, những nội dung nêu trong dự thảo nghị định này được trích từ Quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn tới năm 2020.

Do đó, vấn đề nêu trong dự thảo Nghị định của Bộ Công thương về cấm bán bia vỉa hè, cấm bán bia cho người mang thai hay người dưới 18 tuổi… mới chỉ ở giai đoạn lấy ý kiến của người dân. Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu tất cả những ý kiến phản biện của người dân, dư luận xoay quanh những nội dung “siết” quản lý đối với mặt hàng bia.

Không dễ “dẹp” bia vỉa hè

Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2013 Việt Nam đã tiêu thụ hết 3 tỷ lít bia, tương đương 3 tỷ USD. Như vậy trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia/năm. Với mức tiêu thụ này Việt Nam nằm trong tốp 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, đứng thứ ba ở châu Á chỉ sau Trung Quốc, Nhật và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Lâu nay, cảnh người Việt hào hứng nhâm nhi ly bia mát lạnh sau những giờ làm việc căng thẳng không còn xa lạ ở các quán bia, nhà hàng. Khi đã là "văn hóa tiêu dùng", liệu có dễ "dẹp" bia vỉa hè?

Tuy là đơn vị tham mưu soạn thảo dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh bia, nhưng ngay chính lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ cũng nhận thấy khó thực hiện quy định này trong thực tế, bởi những thói quen “cố hữu” của người Việt.

Nói thêm về quy định cấm bán bia ở vỉa hè, ông Dũng cũng thừa nhận, kinh doanh bia ở vỉa hè đã trở thành “nét văn hóa” trong tiêu dùng của người Việt, nhưng sẽ “đẹp” hơn nếu kinh doanh một các văn minh, đảm bảo trật tự xã hội, môi trường… chứ không phải cảnh “xả rác bừa bãi, làm mất mỹ quan đô thị như hiện nay”.

Vị Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ cũng thừa nhận, khó có thể kiểm soát 24/24 việc mua, bán bia. “Về tính khả thi của dự thảo này xin phép chưa được bàn tới vì còn chờ tổng hợp ý kiến của các người dân, các bộ ngành liên quan. Nhưng điều chắc chắn là không ai có thể ngồi canh người bán, người uống bia suốt 24/24 giờ được”- ông Dũng nói thêm.

Theo ông, ở các nước phát triển đã đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt về mua bán bia, rượu nhằm hạn chế sự ảnh hưởng và tác hại của các mặt hàng này đối với sức khỏe, xã hội.

Đơn cử, như Chính phủ Singapore năm 2013 đã ban hành dự luật cấm tiêu thụ bia rượu ở những nơi tập thể, chẳng hạn như ở công viên hay tầng trệt sinh hoạt chung của các hộ dân. Hoặc Thái Lan thức uống có cồn được bán thoải mái tại quán bar, nhà hàng, khách sạn, nhưng tại các siêu thị chỉ được bán trong khung giờ quy định. Hay như để khống chế thanh niên tiếp xúc với đồ uống có cồn, tại nhiều quốc gia ở châu Âu, người mua sẽ phải xuất trình ID (thẻ căn cước) khi mua – bán các loại đồ uống này.

Song, Việt Nam muốn “học tập” kinh nghiệm quản lý từ các nước thì cũng rất khó. “Vướng và khó ở chỗ người dân Việt Nam hiểu luật và thích làm luật” – vị này chia sẻ.

Phải chăng vì lẽ người Việt “thích tự tạo luật của riêng mình”, nên cơ quan quản lý phải đưa ra những quy định “cứng”?

Trong phần trả lời PV, ông Dũng nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần ý kiến,  các quy định trên mới được nêu trong bản dự thảo, đang lấy ý kiến của người dân, xã hội, các bộ ngành… “Rất có thể khi tổng hợp lại các ý kiến đóng góp những quy định trên sẽ được gỡ bỏ khỏi dự thảo…”- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ chia sẻ.

Còn đối với quy định cấm bán bia cho phụ nữ mang thai, cho con bú và người dưới 18 tuổi, vị này cũng cho rằng, khó đưa ra được một chế tài kiểm soát nghiêm ngặt. Thậm chí, ông còn “ngỏ” ý, nhờ truyền thông, dư luận “góp” với cơ quan soạn thảo chế tài đủ mạnh nhất đối với các trường hợp trên.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn