Khui đồ uống, gặp ruồi phải làm sao?
Việc chai nước ngọt Number One (sản phẩm của Tân Hiệp Phát) có con ruồi, bị anh Võ Văn Minh đòi "bồi thường" 500 triệu đồng và bị khởi tố về tội danh Cưỡng đoạt tài sản. Anh Minh sẽ bị xử lý theo hình thức nào thì vẫn đang còn được điều tra.
Tuy nhiên, vụ việc trên khiến dư luận rất đỗi quan tâm. Nếu thực sự là sản phẩm của nhà sản xuất không sạch, bị khiếm khuyết thì người trả tiền mua sản phẩm có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình?
|
Anh Võ Văn Minh, người phát hiện có con ruồi trong chai nước ngọt Number One của Công ty Tân Hiệp Phát. |
Theo anh Đức Hoài - Thư ký nghiệp vụ VP Thừa phát lại Quận Thủ Đức, một con ruồi trong chai nước ngọt thì không thể có giá 500 triệu đồng nhưng hàng hóa là chai nước yến sào, chai rượu xịn có giá mấy triệu đến mấy chục triệu thì như thế nào?
Trong trường hợp anh Minh nêu trên, nếu chiếu theo quy định của Điều 30 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 thì anh Minh có thể thông qua một trong 4 phương thức sau để bảo vệ quyền lợi của mình: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án.
Dù theo phương thức gì đi nữa thì anh Minh cần cẩn trọng thu thập chứng cứ để chứng minh những yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình là hợp pháp mà trong đó chú trọng đến việc ghi nhận chứng cứ là chai nước Number One còn nguyên nhãn mác, chưa mở nắp chai và trong chai có xác con ruồi…
Việc ghi nhận này cần kịp thời để đảm bảo giá trị chứng cứ, tránh trường hợp để lâu chai nước bị thay đổi nguyên trạng, giá trị chứng minh sẽ không cao.
|
Chai đậu nành có cợn đen được một người tiêu dùng phát hiện ở TP.HCM (năm 2010) và anh này quyết "giữ lại làm lưu niệm". Ảnh: Zing.vn |
Vậy cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ghi nhận chứng cứ nói trên. Câu trả lời là các văn phòng Thừa phát lại. Anh Minh có thể nhờ văn phòng Thừa phát lại ở Tiền Giang để lập vi bằng, ghi nhận chứng cứ cho mình.
Thừa phát lại khi lập vi bằng (chứng cớ bằng văn bản, tài liệu) sẽ có quay phim, chụp hình và mô tả tình trạng chai nước chưa được mở nắp, trong chai nước có xác động vật…
Vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang trong thời hạn 3 ngày làm việc sẽ là chứng cứ quan trọng hỗ trợ vững chắc cho những yêu cầu của anh Minh đối với Công ty Tân Hiệp Phát ở bất kỳ phương thức giải quyết tranh chấp nào mà anh Minh lựa chọn ở trên.
Giám định chai nước 10 ngày chưa xong
Trên trang FB cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải nêu ý kiến: "Vụ việc lan truyền theo hướng không kiểm soát nổi, ý kiến đa chiều phong phú. Một loạt vụ việc và sự kiện liên quan đến Tân Hiệp Phát được đưa ra và mổ xẻ. Cho dù kết thúc thế nào, đây sẽ là sự kiện được đánh dấu sức mạnh của cộng đồng mạng mà các đại gia và quan chức không thể coi thường".
Vị luật sư vẫn phải nhắc lại sự chậm chạp từ cơ quan điều tra vụ này: "Đã hơn 10 ngày chưa có kết quả giám định chai nước có ruồi đã mở trước hay chưa. Một công việc quá dễ sao làm chậm thế. Thứ nữa là không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư sau 24 giờ nhận hồ sơ để bảo vệ người bị tạm giữ theo bộ luật tố tụng hình sự, một công việc còn dễ hơn vì chỉ ký là xong".
"Những công việc quá dễ không làm, còn việc rất đáng cẩn trọng là tước đi tự do của công dân sao làm nhanh và quyết liệt thế. Có gì đây?", luật sư tỏ rõ sự sốt ruột.
Đôi bên đều chưa đúng mực
Từ một góc nhìn khác, luật sư Trần Anh Dũng trả lời trên báo Công lý cho biết: Dường như anh Võ Văn Minh chưa đưa ra chứng cứ chứng minh thiệt hại do chai nước uống kém chất lượng gây ra cho mình và xã hội, mà lại dùng chai nước gặp sự cố đó để gây sức ép buộc Công ty Tân Hiệp Phát phải trả cho anh một số tiền khổng lồ để đổi lấy sự im lặng.
Phía Công ty Tân Hiệp Phát thì chưa làm rõ nguyên nhân vì sao con ruồi có trong chai nước, chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng để có biện pháp khắc phục hậu quả mà đã giả vờ chấp nhận yêu cầu thương lượng để “đánh úp” cho thấy hành vi bị coi là “tàn nhẫn”.
Như vậy, có thể thấy trong vụ việc này cả phía anh Võ Văn Minh và Công ty Tân Hiệp Phát đều có cách hành xử chưa đúng mực.
Theo VTCnews