Thời gian gần đây, sự tăng giá của USD trên thế giới và ngay cả ở nước ta đã khiến giới chuyên gia, các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp không khỏi băn khoăn.
Bởi, không ít người cho rằng USD vẫn đang là đồng tiền thống lĩnh thị trường tài chính thế giới, khi mà hầu hết các nước phát triển, đang phát triển đều "bơm" tiền để chống giảm phát, cải thiện sức mua… để duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Vậy, VND liệu có bảo toàn được sự ổn định trước biến động tỷ giá toàn cầu?
Trước thực tế này, đã có không ít người tính toán giữ VND hay giữ USD? Gửi tiết kiệm VND được 5%/năm, USD chỉ 0,75%/năm. Liệu phần chênh lệch tới 4,25%/năm có đủ bù đắp nếu tỷ giá biến động? Trong các đợt "nhảy múa" của tỷ giá trước đây, mức kịch trần ghi nhận được ngoài thị trường tự do là 21.800-21.900 đồng/1USD.
So với giá kịch trần được phép hiện nay của ngân hàng (biên độ + 1% với tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày) là 21.672 đồng/USD, có thể tỷ giá tự do đã "tự động" cộng thêm 1%. Đây có thể là kỳ vọng từ tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá năm nay có khả năng điều chỉnh tối đa 2% (đầu năm đã điều chỉnh 1%, dư địa còn 1%).
Theo các chuyên gia, ảnh hưởng tương tác giữa USD - VND không cần phải bàn luận nhiều, yếu tố chủ yếu đang tác động mạnh lên tỷ giá không phải chỉ là sự tương tác đó mà là vàng. Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới trên dưới 5 triệu đồng/lượng. Với khoảng cách này, nhịp mua - bán vàng chậm lại, mối quan tâm đến vàng ít đi và như vậy đã là thành công của chính sách quản lý vàng, cũng như điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang có kẽ hở. Từ khi giá vàng thế giới "lao dốc" về 1.170 USD rồi tới 1.150 USD/ounce, giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng. Liệu có phải USD được gom để nhập vàng lậu? Để ngăn chặn vàng lậu, cần phải thu hẹp, xóa bỏ các nguồn tiêu thụ. Các công cụ kiểm soát hoạt động các tiệm vàng cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật...
Có thể nói, các đợt biến động là thử thách thực tế của chính sách điều hành tỷ giá hối đoái thể hiện ở sự quyết đoán, chính xác, kịp thời và nhất quán được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước. Niềm tin thường bắt nguồn từ kết quả những hành động thực tế.
Ba năm qua tỷ giá ổn định, không có nghĩa là niềm tin của người dân vào giá trị VND không bị dao động. Trong khi đó, kể từ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi - thời điểm tỷ giá có dấu hiệu biến động, cơ quan quản lý nhà nước chưa có phản ứng nào để củng cố niềm tin cho thị trường.