Theo tính toán của Bộ Công Thương, so với kỳ điều chỉnh giá gần nhất (ngày 11/3), giá cơ sở xăng dầu đã giảm đáng kể do diễn biến thế giới đi xuống, dao động từ 832 đồng đến gần 1.100 đồng mỗi lít (kg). Giá cơ sở là căn cứ để các doanh nghiệp đầu mối ấn định mức bán lẻ trong hệ thống của mình. Trong giá cơ sở đã bao gồm giá nhập khẩu về cảng, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, thuế các loại, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.
Biểu giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ngày 26/3:
Đơn vị: Đồng/lít,kg
Mặt hàng | Giá cơ sở ngày 11/3 | Giá cơ sở hiện hành | Chênh lệch |
Xăng RON 92 |
19.138 |
18.306 |
-832 |
Xăng E5 |
18.808 |
17.976 |
-832 |
Điêzen 0.05S |
16.771 |
15.888 |
-883 |
Dầu hỏa |
17.160 |
16.073 |
-1.087 |
Mazut |
13.688 |
12.653 |
-1.035 |
Với diễn biến nêu trên, Bộ Công Thương yêu cầu giảm chi sử dụng Quỹ bình ổn, trong đó chi với xăng giảm 832 đồng xuống còn 1.020 đồng mỗi lít; dầu hỏa giảm 837 đồng xuống còn 0 đồng mỗi lít và mazut các loại giảm 927 đồng xuống 0 đồng mỗi kg.
Sau khi giảm sử dụng quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu với mức 832-927 đồng một lít, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp không bán lẻ xăng RON 92 với giá cao hơn 17.286 đồng một lít, từ 15h chiều nay. Trong khi đó, giá bán hiện hành được Petrolimex niêm yết ở mức 17.280 đồng.
Dư địa giảm giá xăng không còn, vì vậy Petrolimex và các doanh nghiệp đầu mối khác chỉ giảm giá dầu hỏa và mazut các loại, lần lượt là 250 đồng và 110 đồng, trong khi đó giá xăng giữ nguyên.
Lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất là vào 11/3, các mặt hàng đều tăng 700-1.600 đồng một lít. Tại tọa đàm trực tuyến trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ mới đây, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ Tết đến nay, doanh nghiệp đầu mối đang lỗ khoảng 3.500 đồng do chênh lệch giá bán với mức cơ sở. Để hài hòa lợi ích, Quỹ bình ổn đã được sử dụng để giảm sốc của việc tăng giá.
Theo VnExpress