Khu chợ đổi tiền Móng Cái 2, nằm trên địa bàn phường Trần Phú, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) tồn tại cách đây hàng chục năm. Năm 1995, sau khi xây 2 dãy nhà mái tôn kiên cố, Ban quản lý chợ tổ chức cho bà con vào xếp quầy, đóng thành sạp thống nhất. Đến nay chợ có hàng chục sạp với 88 hộ ký hợp đồng kinh doanh.
Phần lớn các chủ sạp là phụ nữ. Mỗi quầy đều có máy đếm tiền và hòm đựng. Bên trong mỗi hòm tôn có khi chứa từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ nếu gặp khách đổi với số lượng lớn. Tuy nhiên, ở chợ này không có bảo vệ hay công an.
Theo đại diện Ban quản lý chợ, mỗi tháng những hộ kinh doanh tiền tại đóng một khoản thuế cố định và phí thuê chỗ tại chợ khoảng 250.000 đồng.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho biết, do đặc thù của thương mại biên giới là các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ, chủ yếu bằng ngoại tệ tiền mặt nên ngoài qua ngân hàng, cư dân biên giới được lập bàn đổi ngoại tệ để mua bán tiền của nước bạn. Tuy nhiên, các điểm này phải được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cấp giấy phép, phải có số vốn bằng tiền mặt tối thiểu 50 triệu đồng.
Trong khi đí, việc đổi tiền ở đây hầu hết không có hóa đơn chứng từ. Phương thức giao nhận diễn ra nhanh chóng. Chị Lan một dân buôn cho biết, người đến đổi tiền nhỏ lẻ chiếm số lượng ít, chủ yếu là khách du lịch qua Trung Quốc chơi. Còn đổi tiền với lượng lớn, chủ yếu là khách quen. “Chúng tôi làm ăn lâu dài nên có uy tín với đối tác, nhiều lúc đổi tiền hàng trăm triệu hay tiền tỷ cũng chỉ cần một cú điện thoại là xong, không cần phải hóa đơn hay chứng từ gì”, chị Lan nói.
Những khu vực xung quanh chợ dù không nằm trong khu vực sạp, vẫn có nhiều điểm đổi tiền công khai.
Trên vỉa hè các tuyến đường của thành phố Móng Cái như đường Trần Phú, Hùng Vương… có rất nhiều điểm đổi tiền tự phát. Những phụ nữ đổi tiền ở vỉa hè đều cầm theo túi xách, ghế, máy tính và chiếc điện thoại di động để phục vụ cho việc đổi tiền.
Tại đây, một đồng nhân dân tệ đổi được 3.400- 3.500 đồng, tùy theo khách hàng quen hay lạ, số lượng lớn hay ít.
Vụ Quản lý Ngoại hối đánh giá, các bàn đổi nhân dân tệ (CNY) này đã hỗ trợ nhiều cho hoạt động giao thương ở vùng mậu biên. Tuy nhiên, vẫn nảy sinh một vài bất cập như quy mô giao dịch tiền mặt tương đối lớn, cá nhân đổi tiền thực hiện thanh toán bất hợp pháp… làm ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng ở khu vực biên giới. Vì vậy, vài năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh tỉnh biên giới ngừng cấp phép mới các bàn đổi ngoại tệ kiểu này.
"Để chấn chỉnh, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý theo hướng nâng cao vai trò của hệ thống ngân hàng khu vực biên giới nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đổi tiền, thanh toán biên mậu", lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối cho biết.
Theo quy định, cá nhân làm đại lý đổi ngoại tệ mà không được cấp phép có thể bị phạt lên tới 600 triệu đồng. Với các trường hợp mua bán ngoại tệ không đúng nơi quy định cũng bị phạt lên tới 100 triệu đồng.
Theo VnExpress