Bạc Liêu được xem là "thủ phủ" của nghề sản xuất muối ở Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng sản lượng muối thương phẩm cung ứng ra thị trường lên đến trên dưới 250.000 tấn. Các địa phương sản xuất nhiều nhất là Hòa Bình, Đông Hải (riêng huyện Đông Hải có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, với khoảng 2.300ha).
Bà con diêm dân ở địa phương này cho biết, nắng nóng trong 6 tháng đầu năm tuy gây bất lợi cho nghề trồng lúa, hay nuôi tôm, nhưng lại “ngầm” ủng hộ người sản xuất muối.
“Vụ sản xuất vừa rồi, ai cũng trúng mùa, nhưng không vì thế mà diêm dân vui. Ngược lại bây giờ nói đến việc tái sản xuất ở vụ sau, ai cũng méo mặt vì điệp khúc trúng mùa mất giá”, diêm dân Lê Thanh Nghị ở ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải chua chát nói.
Giá muối ở Bạc Liêu đang xuống thấp đến mức kỷ lục. |
Nếu như muối ở thời điểm này năm trước có giá trên dưới 1.200 đồng một kg (tùy loại) thì nay chỉ còn từ 350 đến 500 đồng, mà không có người mua. “Hy vọng về một vụ muối gỡ được vốn thua lỗ trong các vụ sản xuất trước xem như phá sản. Chẳng những giá muối không tăng mà còn thấp hơn năm ngoái. Bây giờ nhà nào có điều kiện thì trữ lại chờ giá, nhưng đa phần đều bán tháo để lấy tiền trang trải cuộc sống”, ông La Trung Vân nói.
Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua thống kê sơ bộ đến cuối tháng 5, trên địa bàn toàn tỉnh còn tồn đọng khoảng 170.000 tấn muối.
“Năm nay bà con diêm dân trúng mùa muối, nên lượng muối tồn đọng trong dân vượt quá dự kiến. Với giá muối đang thấp như hiện nay thì người sản xuất thua lỗ là điều không thể tránh khỏi”, ông Út chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Đấu, diêm dân xã Vĩnh Thịnh cho biết, đầu vụ giá muối đen có nhích lên vài trăm đồng một kg, nhưng khi vào vụ thu hoạch chính, giá muối liên tục giảm.
“Gần 30 năm gắn với nghề sản xuất muối, nhưng hiện tại tôi và nhiều gia đình khác đang tính đến chuyện bỏ nghề, vì quanh năm 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', mà bán một giạ muối (loại 30 kg) chưa mua được một tô phở”, ông Đấu thở dài nói.
Theo VnExpress