Dự kiến bỏ trần giá sữa trẻ em từ 1.7: Nuôi bò sữa “lĩnh đòn”?

Thứ bảy, 28/05/2016, 08:31
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa cho biết sẽ xem xét bỏ giá trần sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ 1/7/2016. Theo các chuyên gia nhận định, việc bỏ trần giá sữa cùng việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ khiến các doanh nghiệp lựa chọn nhập sữa nguyên liệu ở các nước có giá rẻ nhất, dẫn tới người nuôi bò sữa trong nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình

TS Lê Huy Khôi – Trưởng ban Nghiên cứu và dự báo thị trường (Viện Nghiên cứu thương mại) cho biết, cách đây hơn 1 năm, có thời điểm khan hiếm sữa nguyên liệu nên đã xuất hiện tình trạng “găm hàng” sữa bột cho trẻ em để tăng giá. Việc giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi liên tục tăng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng nên các cơ quan chức năng đã đưa ra quy định trần giá sữa để điều chỉnh nhằm bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Theo đó, giá bán buôn tối đa các sản phẩm trên do Bộ Tài chính đặt ra, còn giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá bán buôn tối đa đăng ký với Bộ Tài chính. Giá trần được tính dựa trên chi phí các thành phần hàng hóa do chính doanh nghiệp đặt ra và giá trần sẽ được áp dụng tùy từng công ty. Quy định trần giá sữa trẻ em được áp dụng từ 1/6/2014 đến 31/12/2016, nếu từ ngày 1/7 tới bỏ quy định này tức là sẽ bỏ trước thời hạn 6 tháng.

Chăm sóc bò sữa tại một trang trại ở Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: NHẬT ANH

Theo ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk), việc bỏ trần giá sữa cũng là lộ trình nhằm minh bạch hóa các quy định khi tham gia TPP. Theo lộ trình đó, thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu giảm từ 5% về 0%. Tuy nhiên, sữa nguyên liệu chiếm khoảng 20% - 25% giá thành sản xuất nên việc giảm thuế nhập khẩu chỉ giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 0,5% - 1%. Với những sản phẩm như sữa tươi, sữa nước, sữa chua... doanh nghiệp sữa trong nước đang hoàn toàn chủ động nên cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em và khi thuế về 0% thì chắc chăn doanh nghiệp nhập khẩu sẽ lựa chọn thị trường có giá tốt nhất.

"Cả nước có 17.828 hộ chăn nuôi bò sữa, trong đó vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chăn nuôi nông hộ sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất, chịu tổn thất cao nhất khi hội nhập”.
Ông Tống Xuân Chinh

Theo nhận định của các chuyên gia, việc bỏ trần giá sữa sẽ không có tác động nhiều tới doanh nghiệp sản xuất trong nước, bởi thực chất, lĩnh vực sữa bột hiện chỉ có Vinamilk là doanh nghiệp  chiếm khoảng  40% thị phần, còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp của nước ngoài. Một số doanh nghiệp sữa trong nước khác như Hanoimilk, Ba Vì, Mộc Châu, TH... hiện chủ yếu sản xuất các sản phẩm được sản xuất từ sữa tươi. Tuy nhiên, khi giá sữa tiệm cận với thị trường, trong khi năng suất sữa của Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước thì chắc chắn người chịu ảnh hưởng sẽ là những nông dân chăn nuôi bò sữa có quy mô nhỏ lẻ.

Phải chấp nhận “cuộc chơi”

TS Lê Đăng Doanh phân tích, việc bỏ trần giá sữa là  nhằm giúp cho thị trường minh bạch hơn nhưng cũng sẽ là khó khăn thách thức cho các doanh nghiệp và nông dân sản xuất bò sữa quy mô nhỏ. Tuy nhiên, khi hội nhập thì phải  chấp nhận “cuộc chơi” và các quy định cho thị trường cũng phải tiến tới minh bạch và công bằng, Nhà nước không thể bảo hộ mãi được.

“Các doanh nghiệp cũng phải chủ động tái cơ cấu để tự “thích nghi” với thực tế này. Tôi luôn ủng hộ cạnh tranh để người tiêu dùng được hưởng lợi. Bản thân doanh nghiệp và người nuôi bò sữa cũng phải đầu tư chuyên nghiệp hơn, cố gắng cải thiện liên kết để có khả năng cạnh tranh được với giá sữa của các nước phát triển trên thế giới” - ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cảnh báo, khó khăn nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu có hiệu lực thì chỉ có sữa tươi trong nước ít bị ảnh hưởng, hiện Liên minh châu Âu trợ giá rất lớn cho sữa bột nguyên liệu. Trong khi chăn nuôi của họ cũng có năng suất sữa cao hơn.

Theo ông Trần Công Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, hiện nay năng suất sữa đàn bò của công ty đạt 7,4 tấn/chu kỳ nên để có thể tự tin trong hội nhập, đặc biệt là khi tham gia TPP, bản thân doanh nghiệp phải từng bước nâng cao năng suất sữa. Trong 5 năm tới, công ty đặt mục tiêu sẽ nâng năng suất sữa tươi lên 8 tấn/chu kỳ.

Trao đổi với NTNN, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định, việc đặt ra giá trần là nhằm mục đích ổn định giá sữa trong nước, nên khi bỏ quy định này chắc chắn các công ty sản xuất sữa sẽ lựa chọn nhập khẩu sữa ngoại rẻ để thay thế nguyên liệu sữa trong nước. Về mặt ưu điểm, khi bỏ giá trần sẽ tăng tính cạnh tranh của các công ty lên, còn ở trong nước phần nào sẽ ảnh hưởng tới người chăn nuôi bò sữa.

Theo Dân Việt

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích