Cửa hàng thịt bò sạch Tuấn Ngọc trên đường Bình Quới (quận Bình Thạnh) luôn tấp nập khách, mới 11 giờ trưa nhưng cửa hàng đã đóng tiệm do hết hàng. Một khách hàng cho biết: “Nhiều nơi “chế” thịt heo thành thịt bò nên mình phải lựa chọn những điểm bán hàng uy tín. Cửa hàng này có gắn biển thịt bò sạch nên tôi thường xuyên đến đây mua”.
Một cửa hàng kinh doanh “thịt bò sạch” góc đường Nguyễn Thông - Kỳ Đồng (quận 3) cho hay khách hàng muốn mua mấy trăm ký cũng đáp ứng. “Bò nuôi ở Bến Tre, đảm bảo sạch, an toàn. Chúng tôi có đầy đủ các giấy kiểm dịch của thú y, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh…
Hàng đảm bảo uy tín chứ không như nhiều cửa hàng khác” - chủ hàng cho biết. Người bán hàng còn khẳng định việc chứng nhận thịt bò sạch do cơ quan thú y thành phố cấp phép, còn Y tế dự phòng TP.HCM cấp chứng nhận chất lượng.
Nhiều cửa hàng gắn biển thịt bò sạch tại TP.HCM. |
Trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) hàng chục cửa hàng kinh doanh thịt bò thi nhau chào mời khách. Ghé vào tiệm thịt sạch Hồng Trang, nhân viên tại đây giải thích “thịt bò sạch” là bò được chăn thả ở các vùng quê, phần nhiều tại Củ Chi, quận 12 (TP.HCM).
Bò ở đây nuôi chỉ cho ăn cỏ, rơm chứ không ăn cám công nghiệp hay các chất tăng trọng, chăn thả trong môi trường tự nhiên, không dùng kháng sinh, hormone và các chất kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, bò khi đem đi giết mổ không bị bơm nước… Tuy nhiên cửa hàng không đưa ra được bất cứ chứng nhận “sạch” nào từ cơ quan có thẩm quyền.
Mặc dù nhiều cửa hàng đều khẳng định thịt bò sạch của mình đều được thú y thành phố cấp phép nhưng ông Lê Hữu Trí - Phó phòng Thú y cộng đồng Chi cục Thú y TP.HCM cho hay, hiện nay nhà nước cũng như ngành thú y thành phố chưa cấp phép chứng nhận thịt bò sạch cho bất cứ cửa hàng nào.
“Việc các cửa hàng, điểm bán treo biển “thịt sạch” là tự phong chứ theo tôi biết, chưa có đơn vị chức năng nào cấp phép. Việc cấp phép sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn an toàn, sạch phải được tiến hành giám sát từ con giống, vùng nuôi, nguồn thức ăn, quá trình chăm sóc, giết mổ, vận chuyển, điểm bán…”- ông Trí nói.
Đại diện cơ quan Thú y TP.HCM cũng cho biết, ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn khoa học nhằm đảm bảo sản phẩm ngoài việc đạt chất lượng tốt nhất còn phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm sạch đều dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hiện có một số đơn vị thử nghiệm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguồn thịt bò an toàn nhưng chưa đưa sản phẩm ra thị trường.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM khuyến cáo, người tiêu dùng đừng bị mắc lừa bởi hình thức kinh doanh cũng như lời quảng cáo của người bán hàng.
Theo Tiền Phong