“Kênh chính thống không phải lúc nào cũng an toàn hơn”, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc vùng, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam (ILRI), cho biết tại phiên hội thảo Ngành hàng chăn nuôi: Hội nhập và khả năng cạnh tranh diễn ra chiều 27/5.
Trình bày tại phiên họp này, ông Hùng đưa ra 2 thông tin khá bất ngờ.
Một là, hóa chất hay dư lượng kháng sinh không phải nguyên nhân chính gây mất an toàn thực phẩm. Nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm cao nhất là ô nhiễm vi sinh vật. Tức, không phải khâu chăn nuôi, trồng trọt, mà chính khâu bảo quản, chế biến mới là khâu gây mất an toàn thực phẩm nhất.
(ảnh minh họa) |
“Mọi người tập trung quá nhiều vào các yếu tố hóa học mà quên đi các vi sinh vật trong thực phẩm”, ông Hùng nói.
Thông tin thứ hai, bất ngờ không kém, là kênh siêu thị là kênh có mối nguy ô nhiễm thực phẩm cao hơn cả chợ.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng không phải cứ mẫu trong siêu thị sẽ sạch hơn. Một số mẫu được lấy ở chợ truyền thống có độ ô nhiễm vi sinh còn thấp hơn ở siêu thị”, ông Hùng nói.
Lý giải cho điều tréo ngoe này, ông Hùng cho biết: Đây là tình huống chung, kể cả ở các nước phát triển.
Siêu thị bảo quản thực phẩm bằng hệ thống trữ lạnh. Hệ thống này có thể bị ảnh hưởng khi mất điện. Cộng thêm việc không bán thực phẩm trong ngày, phải lưu trữ thực phẩm lâu… khiến thực phẩm trong siêu thị chưa chắc đã ít ô nhiễm hơn thực phẩm bày bán ngoài chợ.
Ông Hùng cho biết, nghiên cứu của ILRI lấy mẫu trên 1.275 mẫu từ trang trại, lò mổ, thị trường, được lựa chọn định kỳ theo quý trong 12 tháng.
Kết quả:
- Tại trang trại: 19,4% nước uống, 36,1% mẫu sàn nhiễm Salmonella (một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột)
- Khu giết mổ: 20% nước nhiễm vi khuẩn, 38,9% thịt nhiễm vi khuẩn
- Thịt lợn bán trên thị trường (cả siêu thị và chợ): 44,7% thịt bị nhiễm
“Bức tranh toàn cảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam đang rất nóng. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng: Gánh nặng bệnh tật do an toàn thực phẩm phần lớn là do các vi sinh vật nhiều hơn là hóa chất - thứ mà chúng ta đang lo sợ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Dân Việt