Đây là tín hiệu vui, tiếp nối sự thành công trong việc sản xuất, tiếp thị vải thiều sạch từ niên vụ 2015, khi những lô hàng vải thiều đầu tiên của nước ta đã xuất khẩu được sang các thị trường là Mỹ, Australia…
Thương lái tranh nhau đặt hàng
Chưa vào vụ thu hoạch vải thiều, nhưng hộ anh Nguyễn Văn Minh ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã liên tục có khách đến khảo sát, đặt hàng. Anh Minh cho biết: “Còn hơn 10 ngày nữa mới vào vụ thu vải chín sớm và hơn 1 tháng nữa mới đến vụ chính thu hoạch vải thiều, nhưng hiện đã có nhiều thương lái Trung Quốc đến vườn nhà đặt tiền trước. Tôi chưa dám nhận mà chờ đến gần thu xem sản lượng, giá cả thị trường chắc chắn mới bán. Năm nay vải mất mùa, ít quả nên chất lượng quả ngon và đẹp, nhất là vải VietGAP và GlobalGAP giá sẽ cao hơn nhiều lần so với năm 2015”.
Người dân xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chăm sóc vải thiều VietGAP để chuẩn bị cho xuất khẩu. |
Là vùng chuyên canh vải lớn nhất tỉnh Bắc Giang, hiện huyện Lục Ngạn có khoảng trên 16.000ha vải. Trong đó, có khoảng hơn 10.000ha đã được công nhận vùng sản xuất VietGAP, 158ha vải GlobalGAP Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: “So với vụ vải năm 2015, vụ vải năm nay bị mất mùa khiến sản lượng vải của huyện đạt khoảng 70.000 tấn, giảm trên dưới 40% so với năm 2015”.
Theo số liệu của Cục BVTV, riêng 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 764 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (47,7%), dự kiến hết tháng 5 đạt khoảng hơn 900 triệu USD. Các thị trường đều tăng khá, trong đó xuất khẩu vào thị trường khó tính đạt 3.400 tấn quả tươi. Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay Cục đã cấp được 29 mã số với khoảng 300ha cho vải, phần lớn ở Bắc Giang để phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính. |
Ông Báo cho biết thêm, đến thời điểm này đang có khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến vùng vải của huyện khảo sát, trong đó nhiều nhất là các thương lái Trung Quốc. “Theo dự đoán của tôi, do vải mất mùa nên giá bán vải năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm 2015, dù giá cao nhưng cũng không đủ hàng để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước” – ông Báo khẳng định.
Ông Phạm Thương - một chủ đầu mối thu gom vải xuất đi Trung Quốc cho biết: “Năm nay vụ vải ở Trung Quốc mất mùa lớn khiến nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Việt Nam tăng đột biến. Đến thời điểm này, vải ở Bắc Giang và Hải Dương chưa vào vụ thu hoạch nên lái buôn chúng tôi rất khó đặt hàng, dù đã trả giá cao, đặt tiền trước cho bà con nhưng cũng chưa có ai muốn bán cả”.
Không để ùn tắc hàng nông sản ở cửa khẩu
Về việc tiêu thụ vải thiều, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, đến nay Cục đã cấp được 29 mã số với khoảng 300ha cho vải, phần lớn ở Bắc Giang để phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Cũng theo ông Trung, công tác chuẩn bị xuất khẩu vải năm nay rất thuận lợi. Đặc biệt là có rất nhiều doanh nghiệp đã đến tận các vùng trồng vải được cấp mã số ở hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương để khảo sát và đặt hàng chuẩn bị cho công tác xuất khẩu vào vụ vải sắp tới. Bên cạnh các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, các doanh nghiệp cũng quan tâm xuất khẩu vải sang EU và cả Đông Nam Á.
Theo ông Trung, so với năm 2015, năm nay sản lượng vải dự kiến sẽ giảm khoảng 10%. Trong đó, sản lượng vải của Bắc Giang vào khoảng trên dưới 160.000 tấn và Hải Dương khoảng trên dưới 40.000 tấn.
Đặc biệt, theo ông Trung, mùa vải năm nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều. Ví như, để xuất khẩu sang Australia, nếu chiếu xạ ở miền Bắc và xuất đi, riêng chi phí đã giảm được 16 triệu đồng/tấn. Cục Bảo vệ thực vật đang thúc đẩy các thủ tục để phía Australia công nhận Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội có thể xử lý quả tươi xuất khẩu tại phía Bắc.
Tuy nhiên, theo ông Trung, thị trường lớn nhất vẫn là Trung Quốc, năm 2015, kể cả sản phẩm vải khô và tươi, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 100.000 tấn, chiếm 50-60% tổng sản lượng vải xuất khẩu.
Để đảm bảo các mặt hàng nông sản nói chung và quả vải nói riêng được thông quan thuận tiện nhất, ông Hoàng Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật cũng như các tỉnh đã chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi nhất, tránh trường hợp ùn tắc hàng tại cửa khẩu. Đồng thời, Cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở Lào Cai và Lạng Sơn, tạo điều kiện tối đa thông quan, đặc biệt khi vào lúc cao điểm nếu cần, Cục có thể bố trí thêm cán bộ từ dưới Hà Nội lên để hỗ trợ đảm bảo không xảy ra tình trạng ách tắc một lô hàng nào.
Theo Dân Việt
Theo DânViệt