Mùa vải 2016 đến muộn hơn mọi năm, nhưng ngay từ đầu tháng 6, những chùm vải chín sớm đã đỏ mọng, trĩu quả đã phủ khắp từng mảnh vườn, ngọn đồi tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Việc thu mua vải chín sớm đã rậm rịch chừng 10 ngày nay.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ một cơ sở chuyên thu mua vải tại thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nhớ lại năm ngoái, riêng đại lý nhỏ của chị đã "gom" được khoảng 200 tấn vải, bình quân 14-15 tấn một ngày từ khắp các vườn trên địa bàn huyện. Sản phẩm sau đó được cân, phân loại và đóng thùng để vận chuyển lên cửa khẩu Tân Thanh, xuất sang Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc chọn mua hàng trong mùa vải thiều Lục Ngạn 2015. |
Nhưng năm nay vải thiều Lục Ngạn được dự báo sẽ giảm sản lượng cũng như lượng mua gom của các đại lý. Dẫn số liệu dự báo về mùa vụ vải 2016, ông Dương Văn Thái - Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm nay tổng diện tích vải thiều của tỉnh khoảng 30.000 ha, giảm 1.000 ha so với năm 2015.
Thời tiết không thuận lợi cũng khiến tổng sản lượng toàn tỉnh dự tính giảm 65.000 tấn so với năm 2015, đạt 130.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ là 107.000 tấn chiếm 82,3%; tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam (28.000 tấn), Tân Yên (8.000 tấn), Lạng Giang (6.500 tấn), Yên Thế (12.000 tấn) và Sơn Động (5.700 tấn).
Diện tích trồng và sản lượng thu hoạch vải thiều dự báo giảm chỉ bằng 70% so với năm 2015, nhưng người dân trồng vải không lo lắng sẽ tái diễn một mùa vải… thất thu.
Sở hữu vườn vải có diện tích khoảng 2,5 ha, ông Trần Văn Hành (xã Giáp Sơn) cho hay, năm nay ước sản lượng thu hoạch vải vườn nhà ông chỉ bằng một nửa năm ngoái, khoảng 20 tấn. Tuy vậy, ông Hành kỳ vọng doanh thu từ quả vải vẫn đảm bảo nếu vào chính vụ giá vải thiều Lục Ngạn duy trì ở mức cao.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm thu mua vải từ bà con nông dân, chị Nguyễn Thị Lý nhìn nhận: “Cứ năm nào quả vải dự báo mất mùa là giá sẽ cao. Thời tiết không thuận nên năm nay nhiều nhà vườn dự tính chỉ thu hoạch được 70% sản lượng quả so với mọi năm. Giá mỗi kg vải chín sớm đầu vụ đã lên tới gần 30.000 đồng. Dù chưa có con số cụ thể, nhưng người trồng vải đang rất hy vọng giá vải thiều sẽ gấp rưỡi hoặc gấp đôi năm ngoái”.
Kênh tiêu thụ chính của vải thiều Lục Ngạn năm nay vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ dành cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Kinh nghiệm từ các mùa vụ trước, tỉnh Bắc Giang dự tính, vào vụ thu hoạch vải thiều 2016 sẽ có khoảng 3.000 điểm thu mua lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước. Trong đó, riêng thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua là 200 người. Chủ một đại lý chuyên thu gom vải tại xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) tiết lộ, mới chớm vụ nhưng thương lái Trung Quốc đã lác đác sang đặt “gạch” tại các đại lý thu mua trong xã, đẩy giá vải đầu mùa lên cao. Hiện mỗi kg vải sớm dao động 28.000-30.000 đồng, tùy vườn.
Nhưng theo một đại lý chuyên mua gom vải tại thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn), phải 20 ngày nữa khi vải thiều vào chính vụ thương lái Trung Quốc mới sang ồ ạt. “Tới lúc đó thì đâu đâu khắc Lục Ngạn cũng gặp thương lái Trung Quốc. Họ thường đi theo từng đoàn khoảng chục người, tới từng vườn giám sát, chọn và trả giá”, chủ đại lý nói.
“Buôn bán với thương lái Trung Quốc có thể bị ép cân và quả vải phải đạt chất lượng họ mới nhập, nhưng họ nhập số lượng lớn và trả giá cao hơn thương lái trong nước nên người trồng vải vẫn thích bán cho thương lái Trung Quốc hơn là đương nhiên”, vị này chia sẻ thêm.
Thực tế này cũng được Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang - Dương Văn Thái thừa nhận. Ông Thái cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lượng vải thiều rất lớn, nhưng tính ổn định không cao, nhất là thông tin về thị trường tiêu thụ, chính sách biên mậu, hay sự cạnh tranh giữa các thương nhân người Trung Quốc…
Bên cạnh đó, vẫn tái diễn tình trạng thương nhân kinh doanh vải thiều không thông qua hợp đồng chính thức với người dân sản xuất và các đầu mối thu gom. “Nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về thị trường, dẫn đến việc găm hàng chờ cuối vụ lên giá... cũng là những khó khăn chưa được khắc phục triệt để”, ông Thái nêu thực tế.
Trước lo lắng đầu ra của quả vải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ông Dương Văn Thái cũng cho biết, bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định và thị trường nội địa được xác định là trọng tâm, tỉnh cũng tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn. Đây là một trong những hướng giải pháp mới của tỉnh Bắc Giang nhằm nâng cao chất lượng và giá trị quả vải thiều Lục Ngạn trên thị trường.
Theo VNE