Cửa hàng tiện lợi ‘lên ngôi’

Thứ ba, 05/07/2016, 11:14
Xu hướng tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích trong một cửa hàng đang được người tiêu dùng quan tâm.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, với nhịp sống ngày càng nhanh và quy mô hộ gia đình Việt ngày càng nhỏ dần, người Việt mong muốn tiện lợi là yếu tố đặc biệt để họ quyết định việc lựa chọn cửa hàng đi mua sắm.

Nắm bắt được nhu cầu trên, thời gian qua hàng loạt cửa hàng tiện lợi đua nhau mở cửa. Đơn cử như hệ thống cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Vinmart+, B’smart.

Cửa hàng… đa năng

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng nhận định hiện nay các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan đã có mặt dày đặc tại Việt Nam. Họ mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cho đến các siêu thị hoành tráng. Đơn cử như Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản), sau đó đổi tên thành B’smart. BigC đã mở 30 siêu thị và chuỗi 10 cửa hàng tiện lợi CExpress.

“Riêng các doanh nghiệp Thái Lan đã mở hơn 140 cửa hàng tiện ích ở Việt Nam” - ông Hưng thông tin.

Khảo sát một số cửa hàng tiện lợi như B’smart, Circle K cho thấy cứ mỗi buổi trưa hay cuối ngày nhiều học sinh, người trẻ lại tập trung đến vui chơi và mua sắm. “Ở đây vừa có máy lạnh, Wi-Fi và bán cả mỹ phẩm, đồ ăn… nên sau giờ học tụi em tụ tập bạn bè đến đây” - bạn Nguyễn Kim H., nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM giải thích lý do thường vào cửa hàng tiện lợi cùng bạn bè.

Khác với cửa hàng tiện lợi do doanh nghiệp ngoại sở hữu, những cửa hàng của các doanh nghiệp trong nước như Co.op Food, Vinmart+, Vissan thường tập trung bán các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống. Những mặt hàng này thu hút chủ yếu các bà nội trợ đến mua sắm vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Ông Roberto Butragueño, Phó Giám đốc bộ phận dịch vụ bán lẻ thuộc Công ty Nielsen Việt Nam, cho biết thị trường Việt Nam hiện có hai mô hình chính là cửa hàng tiện ích như B’smart, Circle K, FamilyMart và siêu thị mini như Co.op Food, Satra Food, Vinmart+,... Hai mô hình này có nhiều điểm khác biệt trong việc cung cấp các dịch vụ bên trong cửa tiệm cũng như chủng loại sản phẩm. Chẳng hạn các chuỗi cửa hàng tiện ích tập trung cung cấp các sản phẩm thuận tiện cho việc mang đi như bán đồ ăn và thức uống có thể sử dụng ngay; cung cấp không gian để khách hàng có thể ăn uống ngay tại cửa tiệm và các dịch vụ thanh toán hóa đơn kèm theo.

Trong khi đó, siêu thị mini lại là nơi giống như một siêu thị thu nhỏ. Chuỗi siêu thị này là nơi cung cấp các sản phẩm thực phẩm tươi sống mỗi ngày, phù hợp với nhu cầu của các bà nội trợ, phụ nữ và người lớn tuổi.

“Cuộc cạnh tranh giữa hai mô hình này sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Đồng thời qua đó cũng giúp doanh nghiệp bán lẻ phải nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trong thị trường” - ông Roberto Butragueño nhận định.

Một cửa hàng tiện lợi vừa mới khai trương trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Không thay đổi sẽ thua

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc cấp cao bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Công ty Nielsen Việt Nam, nhận định cửa hàng tạp hóa sẽ không biến mất trong thời gian gần song sẽ phải thay đổi rất mạnh để thích nghi với tình hình mới. Bởi khi thương mại điện tử ngày càng phát triển và sự mong đợi của người mua hàng liên tục thay đổi.

“Do đó, không còn cách nào khác, các nhà bán lẻ Việt cần phải xem xét các cửa hàng của mình đóng vai trò như thế nào trong chiến lược bán lẻ đa kênh; làm thế nào để có thể sử dụng chúng nhằm tăng cường các dịch vụ cũng như cung cấp giá trị cho mỗi chuyến mua hàng của người tiêu dùng” - bà Quỳnh gợi ý.

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu chính phủ Malaysia, cho biết một trong những xu hướng chung của ngành bán lẻ thế giới là “to go”. Nghĩa là cửa hàng tiện ích có những sản phẩm tiện lợi để khách hàng dễ mua và mang đi. Bên cạnh đó là xu hướng tích hợp nhiều ngành nghề khác nhau trong cửa hàng để tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Trong cửa hàng đó có thể vừa là nhà thuốc vừa là chỗ để bán thức ăn nhanh…

“Ví dụ ở Nhật có mô hình cửa hàng tiện lợi đi kèm cửa hàng karaoke tại chỗ. Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới. Tất cả các nhà bán lẻ đều phải ứng dụng xu hướng này để phát triển. Nếu doanh nghiệp Việt chậm chân thì đối thủ nước ngoài làm trước và chúng ta mất thị phần là điều hiển nhiên” - bà Vân cảnh báo.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, đến lúc nào đó họ có thể không muốn ghé đến cửa hàng tạp hóa truyền thống nữa. Họ mong muốn cửa hàng có các dịch vụ tiện ích khác ngoài mua sắm hàng hóa.

“Các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt và nghiên cứu về xu hướng mới này. Trên thực tế, các doanh nghiệp ngoại đã đón đầu và nếu để họ chiếm được thị phần thì công ty nội sẽ khó khăn” - ông Hưng nói.

Tiện lợi đã trở thành một lối sống

Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam dẫn một kết quả khảo sát cho thấy khi nói đến các dịch vụ trong cửa hàng tiện ích có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì dịch vụ ngân hàng được nhiều người chọn dùng nhất (khoảng 56%). Kế đến là các dịch vụ thức ăn nhanh (52%). Tiếp theo là các dịch vụ khác như đổ xăng, thư tín và dịch vụ cà phê, dược khoa.

Điều đó cho thấy tiện lợi đã trở thành một nhu cầu, một lối sống.

Chậm chân sẽ mất thị phần

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, nếu so với các nước trong khu vực, tiêu dùng của Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar. Do đó các doanh nghiệp ngoại sẽ tấn công vào những thị trường này.

“Khi họ tập trung tấn công mà doanh nghiệp Việt không có sự chuẩn bị thì sẽ thua. Đây là thời điểm, là cơ hội để biến kênh truyền thống thành kênh hiện đại. Nếu công ty nội chậm chân thì đối thủ làm trước, chúng ta sẽ mất thị phần” - bà Vân nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Hòa, nhà ở quận Tận Phú, TP.HCM chia sẻ: “Có những hôm đi làm về muộn, rút tiền ở các cây ATM nằm ở ngoài đường sợ không an toàn nên tôi đã vào cửa hàng tiện ích B’smart để rút tiền. Rút tiền ở đây yên tâm hơn vì có bảo vệ và mở cửa 24/24 giờ”.

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích