Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh là 92.287 tấn, chiếm 70% sản lượng toàn vụ (ước khoảng 130.000 tấn). Trong đó, vải sớm 19.250 tấn (đã tiêu thụ hết). Hiện tổng lượng vải thiều xuất qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang đạt gần 63.000 tấn.
Trung bình mỗi ngày tại mỗi điểm cân thị trấn Chũ (Hồng Giang, Lục Ngạn) thu gom từ 40 đến 80 tấn vải loại ngon cho thương lái Trung Quốc. Tuy vào chính vụ giá bán không còn được cao như đầu mùa, nhưng vải hàng tuyển vẫn bán được với giá 22.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi hàng “xô”, mã vải nám, xấu… được người dân bán giá 10.000 -12.000 đồng/kg cho thương lái.
Mua giá của người dân là vậy. Nhưng chỉ cần thông qua bên kia biên giới, mỗi kg vải thiều đã có giá bán tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thu mua tại vườn. Thương lái Trung Quốc đổ buôn đã lãi gấp rưỡi. Còn giá bán lẻ có thể lên gấp đôi, gấp ba sau khi trừ đi mọi chi phí vận chuyển, công thu gom tại Việt Nam.
Vải thiều Lục Ngạn tuy bán cho thương lái Trung Quốc được giá cao hơn, nhưng người dân cũng bị trừ cân, ép giá |
Vì thế, dù năm nay vải chín đến đâu bán hết đến đó và được giá, nhưng niềm vui của người dân trồng vải tại Lục Ngạn vẫn không trọn vẹn khi bị thương lái trừ cân, ép giá. Mà lý do nhiều thương lái Trung Quốc đưa ra cho việc này là: Họ buộc phải tính lùi cân của người bán vải, ngoài để trừ hao cho lá, cành khi cân, còn để bù lỗ cho các chi phí thuê nhân công đóng gói, vận chuyển… “Mỗi xe hàng chúng tôi cũng mất từ 20-30 triệu đồng chi phí cho nhân công đóng gói, vận chuyển…, nếu không trừ thì lấy đâu ra lãi”.
Ông Trần Văn Hành (thôn Chão Cũ, Giáp Sơn, Lục Ngạn) năm nay nhà ông thu khoảng hơn 2,5ha vải. Toàn bộ quá trình chăm sóc vải của gia đình ông đều theo tiêu chuẩn GlobalGap. Vậy nhưng, giờ đây khi vào chính vụ ông cũng đành “chép miệng” bán cho thương lái Trung Quốc đến gần 90% lượng vải trong vườn. Bởi nếu không đổ buôn như thế, ông không tìm được những mối buôn khác. Mà vải càng để lâu thì chín sẽ rụng, bán lại càng mất giá. Dù tiếc công chăm sóc theo tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu, nhưng gia đình cũng không còn sự lựa chọn nào.
Ông Hệ (xã Hồng Quang, Lục Ngạn) kể, thương lái Trung Quốc chỉ chọn mua vải loại một, quả to, màu đỏ đều… và chỉ chọn mua của những hộ gia đình trồng vải theo tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, GlobalGap, đảm bảo “sạch”. Nếu thấy vải mã đẹp, đỏ đều và chín mọng… họ sẵn sàng trả cao hơn vài ba giá so với dân buôn trong nước.
Hiện mùa vải của Trung Quốc đã kết thúc, hơn nữa người dân Trung Quốc cũng rất chuộng quả vải Việt Nam nên việc buôn bán diễn ra thuận lợi. Hàng xuất đi Bắc Kinh nên đòi hỏi chất lượng khắt khe hơn. Giá vải năm nay cao hơn năm ngoái tới cả chục giá nên cũng ảnh hưởng ít nhiều tới việc mua gom.
Tuy nhiên, lượng hàng mua gom bình quân mỗi thương lái cũng thu gom khoảng 40-50 tấn vải/ngày. Cộng cả chi phí thuê nhân công đóng gói, vận chuyển…, cũng có nhiều chuyến xe hàng chỉ hòa vốn. Đó cũng chính là lý do mà các thương lái đưa ra để biện minh cho việc trừ cân, ép giá các chủ vườn vải Thiều Lục Ngạn - Bắc Giang.
Theo Báo Tin nhanh