Những ngày này, trên khắp các cánh rừng cao su mới trồng là hàng trăm hecta dưa hấu được trồng đan xen đang vào mùa thu hoạch.
Sau nhiều tháng chăm sóc, nụ cười rạng rỡ nở trên môi người dân trồng dưa vì năm nay trúng mùa.
Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào trồng dưa hấu xen lẫn trong vườn cao su nở rộ khi lâm trường tiến hành chặt cây đã lâu năm để trồng cây mới. Tranh thủ đất trống khi cao su còn nhỏ, nhiều người thuê đất với giá rẻ để trồng dưa.
Bình Phước bước vào cao điểm mùa mưa, để thu hoạch nhanh gọn những quả dưa vừa chín tới, người dân phải chế lại những chiếc xe máy chuyên dụng để chở.
Không khí nhộn nhịp, hối hả chuyển dưa từ vườn về nơi tập kết. Thông thường một vụ dưa từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch là 45 ngày. Người trồng thường chọn và thuê những khu có diện tích rộng từ vài đến hàng chục hecta để trồng dưa.
Những chiếc xe trên được điều khiển bằng những đôi chân trần của các chàng trai địa phương. Dè xe cũng được làm tạm bợ bằng bao cát để tránh bùn bay lên.
Những thanh niên vận chuyển thuê luôn chuẩn bị sẵn can xăng bên cạnh vì trong đồi rẫy hoang vắng này không có nơi nào đổ xăng.
Người phụ nữ hái dưa thuê cũng như các chàng trai chạy xe thồ được thương lái thuê thu hái, vận chuyển với giá 150.000 đồng một ngày.
Dưa hấu được tập kết ven đường rồi được thương lái phân loại. Cân nặng mỗi trái khoảng 1,5 kg dến 3 kg.
Nhiều học sinh nghỉ hè cũng theo chân bố mẹ phụ vận chuyển dưa để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới. "Công việc của em là vận chuyển dưa từ xe xuống bãi tập kết, do còn nhỏ nên chỉ đứng trong bóng râm nên cũng đỡ mệt hơn", Thái bộc bạch.
Dưa hấu Bình Phước được trồng trên bãi đất đỏ bazan màu mỡ nên đỏ, ngọt, khiến thị trường rất ưa chuộng. Giá được thương lái mua tận nơi khoảng 4.000-6.000 đồng một kg.
Sau khi cân xong, dưa được chuyển ra xe đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, kể cả xuất đi Trung Quốc.