Khách hàng chờ mua bánh mì nướng muối ớt trên đường Lê Quang Sung |
Con đường Lê Quang Sung (Q.6, TP.HCM) đã trở thành “con đường bánh mì muối ớt”.
Trên con đường chỉ dài chừng vài kilômet, có khoảng chục tiệm bánh mì nướng muối ớt. Đông nhất là tiệm cô Tám. Các chủ tiệm trên đường Lê Quang Sung này đều nói cô Tám là người đầu tiên mở ra tiệm bánh mì nướng muối ớt và tiệm của cô kinh doanh phát đạt cho đến nay.
Từ món ăn của người Khmer
Cô Tám đã lặn lội về tận vùng Bảy Núi (An Giang) để học hỏi cách làm món bánh mì nướng muối ớt của đồng bào Khmer rồi về Sài Gòn mở tiệm. Bây giờ, mỗi ngày cô Tám bán ra cả ngàn ổ bánh. Để mua được bánh mì nướng muối ớt của cô Tám, nhiều người phải đứng chờ vì quá đông.
Người nướng bánh, người bỏ vào hộp cho khách, người thối tiền thoăn thoắt mà vẫn phải chờ. Bởi một người đến tiệm không chỉ để mua một hay hai hộp mà mua cả chục hộp về cho cả gia đình. Chị Dung, một khách hàng đứng chờ, vui vẻ nói chị từ Q.7 qua đây để mua về ăn cho biết vì thấy nhiều người đã ăn và khen ngon.
Chị Nga, chủ tiệm bánh mì nướng muối ớt cùng tên, cho biết gia đình chị trước đây cũng làm nghề buôn bán. Tuy nhiên, từ mấy tháng nay, khi phong trào “bánh mì nướng muối ớt” nở rộ tại con đường Lê Quang Sung thì gia đình chị đã chuyển hẳn sang kinh doanh món ăn này.
Cả gia đình bảy tám người từ già tới trẻ, từ lớn tới bé quần quật bên hàng bánh mì từ 8g sáng cho đến tận 10g đêm. Khi được hỏi về thu nhập của gia đình từ ngày chuyển sang buôn bán mặt hàng thực phẩm mới này, chị Nga vui vẻ đáp: “Mỗi ngày bán được trên dưới 500 ổ, có hôm đắt khách thì bán tới cả ngàn ổ, hôm ế thì cũng được 300-400 ổ”.
Sài Gòn rộng cửa
Kể ra mới thấy người Sài Gòn quả rất nhạy bén và sáng tạo, lại còn rất “chịu chơi”. Như những chủ tiệm bánh mì nướng muối ớt trên đường Lê Quang Sung trước đó đều có hàng quán kinh doanh hẳn hoi, nào là bún bò, hủ tiếu..., vậy mà thoáng một chốc cả con đường đã trở thành “phố bánh mì nướng muối ớt” nổi tiếng cả Sài Gòn.
Tiếng lành đồn xa, thấy thực khách ưa chuộng, nhiều hàng quán trên các con đường lân cận như Minh Phụng, Lam Sơn, Hàn Hải Nguyên cũng nhanh chóng cập nhật món bánh mì nướng muối ớt này.
Thậm chí, hiện tại nhiều con đường như Điện Biên Phủ, Tô Hiến Thành, Hoàng Hoa Thám các tiệm bánh mì nướng muối ớt cũng đã “mọc lên như nấm sau mưa”. Ở mỗi nơi, món bánh mì này lại có nhiều biến thể, có nơi còn cho thêm phô mai, chỗ lại cho thêm patê, xúc xích, thịt bằm...
Chị Thu Lài (ngụ Q.Bình Thạnh), “tín đồ” của món bánh mì tân thời này, cho biết: “Lúc món bánh mì này mới ra tôi đã lặn lội từ Bình Thạnh sang tận đại bản doanh bên đường Lê Quang Sung ăn cho biết. Ăn xong một lần thì nghiện đến giờ.
Mặc dù hiện tại khu vực Q.Bình Thạnh, Q.1, Q.3... đã có nhiều nơi bày bán món này nhưng tôi vẫn thấy các hàng bánh mì bên Lê Quang Sung là ngon nhất. Thỉnh thoảng vẫn phải chạy sang đó mua ăn”.
Bên cạnh những tiệm bánh mì bán buôn tấp nập, đầu tư cả máy móc, thiết bị nướng bánh mì không khói, hằng ngày tiêu thụ cả trăm, cả ngàn ổ bánh mì, còn có những quán “cóc ổi mía ghim” cũng bày ra món này theo phong trào để tăng thêm thu nhập.
Cứ thế, món bánh mì nướng muối ớt gần gũi, dễ ăn len lỏi dần vào trong từng con đường, từng hàng quán ven đường. Khu vực bờ sông Sài Gòn ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), những nơi đông sinh viên thuê trọ ở Q.Thủ Đức, Q.7... chiều chiều cũng xuất hiện những bếp than hồng nướng bánh mì muối ớt.
Chủ lò than có thể là một người Sài Gòn thức thời, cũng có khi là một hai cô bé sinh viên chịu thương chịu khó làm thêm kiếm tiền đi học.
Chị Phước, chủ một xe bánh mì, tâm sự: “Tôi bán bánh mì đã gần chục năm, trước giờ là bán bánh mì thịt, patê, xíu mại. Nay thấy người ta chuộng món bánh mì nướng muối ớt này nên cũng đầu tư một bếp than để bán thêm.
Có ngày bán bánh mì muối ớt còn nhiều hơn cả bánh mì thịt. Nói chung, còn phong trào thì còn bán, người ta còn thích ăn thì mình còn bán”. Câu nói của chị Phước khiến chúng tôi phải suy ngẫm. Đô thị Sài Gòn nay đã hơn 300 năm tuổi, đã có biết bao nhiêu món ăn, thức uống cho tới nhiều trào lưu khác du nhập vào đây.
Người dân Sài Gòn là vậy, sẵn sàng tiếp nhận và thay đổi. Câu chuyện về những ổ bánh mì muối ớt cho thấy người Sài Gòn luôn rộng cửa đón lấy món ngon mọi miền.
Cách làm món bánh mì nướng muối ớt vô cùng đơn giản: bánh mì được ép xẹp, quệt muối ớt rồi nướng trên bếp than. Sau đó cắt nhỏ từng miếng bánh, bỏ thêm gia vị như tương ớt, nước xốt phô mai, chà bông, mỡ hành... theo kiểu Sài Gòn để bánh thơm ngon hơn. Được biết, ở nơi xuất xứ của món ăn này, vùng An Giang, bánh mì muối ớt chỉ đơn giản là quết muối ớt bên ngoài và đem nướng giòn trên bếp than. Khi đổ bộ đến các địa phương khác, món ăn được “nâng cấp” bằng cách bổ sung bơ, nước xốt satế phết bên ngoài. Khi nướng nóng giòn lên thì bánh được ăn kèm với nhiều món nữa như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, xốt mayonnaise, tương ớt, thậm chí cả xúc xích, patê, thịt bằm tùy mỗi quán. |
Theo TTO