Cà rốt có được năng suất cao như vậy là do thời tiết nóng ẩm và ít sâu bệnh nên phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Ngoài ra, năm nay trời ít mưa vào không có mưa rào to nên đất tơi xốp, cà rốt không bị nứt và thối củ; quá trình thu hoạch cũng rất thuận lợi.
Bà con đang thu hoạch cà rốt |
Tuy nhiên, việc đầu ra của cây cà rốt còn phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu của thị trường Trung Quốc, đang khiến cho người nông dân không chỉ ở đây mà còn rất nhiều nơi khác chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Cà rốt loại 1 được xếp sẵn vào túi có trọng lượng bằng nhau chờ thương lái đến thu mua |
Cô Thúy ở thôn An Phú, xã Đức Chính cho hay, diện tích 1 sào cà rốt của gia đình tại bãi bồi ven sông cho thu hoạch được khoảng 2,5 tấn, tăng khoảng hơn 20% so với năm trước. Nhưng điệp khúc muôn thuở được mùa mất giá lại tiếp diễn. Vụ đông trước Tết, giá cà rốt loại 1 có thể bán được 4.000 – 4.200 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ rơi vào khoảng 2.500 đồng/kg.
"Lý do là bởi nhu cầu trước Tết của thị trường rất cao nên giá bị đẩy lên, khi nhu cầu thị trường về mức bình thường thì cà rốt lại mất giá khá nhiều và nhanh. Nguyên nhân chính là do năm nay Trung Quốc được mùa cà rốt, nên thương lái không đổ về đây mua, khiến cho giá nhanh chóng sụt giảm. Thương lái khắp nơi về đây tham khảo giá, nhưng họ chờ khi giá xuống thấp, cà rốt không để được lâu nữa họ mới mua, nên người dân bắt buộc phải bán với giá thấp", cô Thúy cho biết thêm.
Kho lạnh của 1 cơ sản xuất tại xã |
Chị Phạm Thị Phúc, chuyên xuất khẩu cà rốt loại 1 đi Sài Gòn, Hà Nội, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...cho hay, cà rốt loại 1 để đóng hộp xuất đi nước ngoài phải đạt tiêu chuẩn: củ đẹp, đầu và đuôi các củ bằng nhau, không bị xanh đầu,...
Năm nay cà rốt rẻ, hộp 10kg chỉ bán được 55.000 đồng/hộp (so với năm ngoái 70.000 đồng/hộp). Theo chị Phúc, vì Trung Quốc được mùa và thời tiết không đẹp nên củ không đều, màu không đẹp như năm ngoái nên thị trường chính chỉ là TPHCM, mang ra Hà Nội thì chỉ bán lẻ là chính.
"Trung bình mỗi ngày tại xưởng xuất đi khoảng 30 tấn cà rốt, trong đó, loại đóng hộp thì xuất đi nước ngoài, đóng vào bao chuyển vào trong TPHCM, còn Hà Nội thì chỉ xếp thành nhiều túi bán lẻ", chị Phúc chia sẻ.
Người thu mua đang đi nhặt cà rốt thải loại |
Tưởng như chỉ có cà rốt loại 1 mới có người thu mua, nhưng loại cà rốt thải loại lại cũng có đầu ra tương đối. Với cà rốt loại 2 thì để làm hàng sấy, mứt tết; còn cà rốt loại 3 để làm thực phẩm công nghiệp hoặc nhập về các trang trại cho gia súc ăn, nên người trồng cà rốt cũng có thêm 1 chút thu nhập chứ không phải đem cà rốt thải loại về cho gia súc ăn hoặc bỏ lại đồng. Chất lượng của 3 loại cà rốt này hầu hết đều như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài.
Cà rốt thải loại sau khi chế biến |
Theo anh Trương Quang Được, người chuyên thu mua cà rốt thải loại về để sản xuất gia vị mì tôm, bột ngũ cốc cho hay, giá của mặt hàng cà rốt thải loại tương đối rẻ. Cà rốt thải loại sẽ có người đi thu gom, họ mua và nhặt ngay tại ruộng với giá 800 đồng/kg. Sau đó, họ sẽ đem về rửa sạch rồi xuất cho các công ty tư nhân chuyên làm mứt Tết, gia vị mì tôm, bột ngũ cốc hay tương ớt. Tại thời điểm này, nhiều công ty chấp nhận nhập cà rốt thải loại với giá từ 1.000 – 1.100 đồng/kg.
Đầu vụ phải mất 12kg cà rốt tươi mới được 1kg cà rốt khô này, thời điểm này chỉ mất 10 - 10,5kg tươi để ra 1 kg khô |
"Giá cà rốt thải loại này đang ở thời điểm qua chính vụ một chút nên khá rẻ. Nhưng vào lúc đỉnh điểm, giá bán của loại hàng này có thể lên đến 1.500 – 2.000 đồng/kg. Lý do là bởi nguồn cung chỉ có vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau để mua. Ngoài các công ty làm gia vị mì tôm, làm bột ngũ cốc, tương ớt, nước ép cà rốt ra thì các tập đoàn lớn bây giờ đang đầu tư vào nông nghiệp cũng thường xuyên nhập cà rốt thải loại cho gia súc ăn", anh Được cho hay.
Cũng theo anh Được, nếu cà rốt tươi khó tìm kiếm đầu ra thì bà con nên tìm hướng khác để cải thiện giá trị của cây cà rốt. Người nông dân có thể học hỏi các mô hình làm cà rốt sấy, làm thực phẩm công nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm, đem lại nguồn thu lớn hơn, chứ không chỉ đơn thuần trồng rồi bán.
Thương lái vào tận ruộng thu mua |
Để tránh tình trạng cà rốt được mùa mất giá, cấp ủy, chính quyền và HTX dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính đã tích cực tìm kiếm và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp đến thu mua cà rốt ngay tại ruộng, nên rất thuận lợi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay thì gần như người nông dân chỉ lấy công làm lãi. Thu nhập từ 1 sào trồng cà rốt mấy tháng trời chưa bằng 1 tháng lương đi làm công nhân.
Theo Dân Trí