Quảng Nam: Nông sản rớt giá thê thảm, "đỏ mắt" chờ thương lái

Thứ năm, 23/03/2017, 10:20
  Sau những thiệt hại của hai đợt lũ muộn cuối năm 2016, thời điểm này, nông dân vùng rau huyện Đại Lộc (Quảng Nam) mới thu hoạch rộ lứa nông sản chính vụ đông xuân. Nhưng nông sản liên tục rớt giá, đầu ra bấp bênh khiến nông dân đứng ngồi không yên.

Những ngày này, người dân vùng chuyên canh rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) đang khẩn trương thu hoạch dưa leo, khổ qua, bí đao… Nông dân tại đây cho biết, sản lượng nông sản năm nay sụt giảm hơn so với mọi năm do thời tiết thất thường.

Rau củ sụt giá nghiêm trọng khiến người dân lo lắng

Không chỉ vùng Bàu Tròn mà ngay cả vùng Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc), nhiều diện tích cây bí đao bị hư hại do rét lạnh kéo dài, nắng mưa thất thường. Giảm năng suất đã đành, nhiều người thấp thỏm khi giá nông sản liên tục giảm sút. Ví như dưa leo đầu vụ 10 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó liên tục rớt giá, nay chỉ còn 1 ngàn đồng/kg; khổ qua từ 10-12 ngàn đồng/kg, giảm còn 4-5 ngàn đồng/kg; bí đao chỉ còn 2 ngàn đồng/kg; đậu tây giá vẫn ổn định hơn so với các loại nông sản khác 6-7 ngàn đồng/kg…

Ông Trương Văn Đến (thôn Đông Tây, xã Đại An) cho biết: “Bình thường nếu gặp thời tiết thuận lợi, một sào khổ qua có thể cho 1 tạ quả, nhưng từ đầu vụ đến giờ gia đình chỉ thu hoạch vài chục ký. Do thời tiết thất thường, cộng thêm phát sinh sâu bệnh nên sản lượng giảm đáng kể. Đã giảm sản lượng, nay giá cả cũng tụt dốc không phanh, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Dự tính sắp tới chúng tôi sẽ chuyển đổi sang trồng đậu xanh, chứ diện tích la-gim hư hại khó mà phục hồi lại được”.

Một số diện tích rau, củ của người dân thiệt hại do thời tiết thất thường, một phần do giống không phù hợp

Đã mất trắng lứa rau sắp thu hoạch trước tết do lũ muộn, nay rau quả liên tục rớt giá khiến hộ gia đình bà Nguyễn Thị Chín (thôn Bàu Tròn, xã Đại An) lao đao: “Cứ đà này là lỗ nặng, dưa leo giờ chỉ còn 1 ngàn đồng/kg mà người mua thì cầm chừng. Nhiều hộ gia đình chán nản đã tháo dàn chuyển sang trồng đậu xanh, chắc tôi cũng tính sớm quá. Đầu vụ giá còn được, nhưng đến giữa vụ thu hoạch rộ thì nông sản rớt giá thê thảm. Đã bị mất trắng do hai cơn lũ muộn cuối năm 2016, giờ thêm cảnh này nữa thì chúng tôi biết làm sao đây”.

Tại các vùng bãi bồi Phúc Khương, Phúc Mỹ (xã Đại Cường), nông dân cũng thấp thỏm bởi giá la-gim “rẻ như bèo”, phải đỏ mắt chờ thương lái.

Hộ dân Trần Văn Xinh (xã Đại Cường) cho biết: “Bây giờ giá la-gim giảm mạnh quá, người ta không mua theo ký nữa mà chuyển sang mua bao. Một bao dưa leo khoảng 70 ký được 50 ngàn, thương lái còn kì kèo khiến nông dân chúng tôi càng thêm khó khăn. Năm ngoái, cứ đến vụ thu hoạch người ta đứng chờ mua cho bằng được, còn tranh giành nhau chứ không buồn bã như năm nay, chẳng ai thèm nhìn”.

Ớt hiện đang là niềm hy vọng của người dân, nhưng cũng đứng trước nguy cơ bấp bênh nếu không có đầu ra

Đối với thương lái, bà Đặng Thị Mỹ cho biết: “Sở dĩ lượng rau, củ quả ứ đọng, rớt giá như hiện nay cũng do nguồn cung quá nhiều nhưng thị trường tiêu thụ lại hạn chế. Chưa kể, rau củ quả trên địa bàn huyện còn phải cạnh tranh với các loại nông sản từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… và cả các loại nông sản ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên, miền trong ùa về với số lượng rất lớn, cả rau củ Trung Quốc trôi nổi nên đầu ra rất khó khăn. Chúng tôi cũng đâu muốn xuống giá thấp, nhưng thị trường nguồn cung quá nhiều giờ mua về cũng không biết bán đi đâu”.

Nhiều người nông dân đã dỡ giàn chuyển sang trồng cây đậu xanh

Đối với cây ớt được nhiều người nông dân kỳ vọng bởi Đại Lộc nổi tiếng là vựa ớt khổng lồ, nhiều người khấm khá lên cũng nhờ ớt, cũng đang đứng trước nguy cơ bấp bênh, phụ thuộc thị trường. Giá ớt hiện dao động từ 5-7 ngàn đồng/kg, đây chưa phải là vụ thu hoạch rộ ớt nhưng nông dân khá lo lắng.

Ông Huỳnh Tấn Phát (thôn Bàu Tròn, Đại An) chia sẻ: “Nông dân chúng tôi rất kỳ vọng vào cây ớt, hiện giá la-gim đang giảm thê thảm nên cây ớt được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Mọi năm thương lái thu mua bán cho bên Trung Quốc, đầu ra bấp bênh phụ thuộc thị trường khiến nông dân rầu lòng. Nếu thương lái không mua, chỉ còn cách phơi khô bán nhưng sẽ không được cay như ớt tươi, quá trình phơi khô cũng gặp không ít khó khăn”.

Trao đổi với PV, ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX nông nghiệp Đại An - cho biết: “Vụ chuyên canh rau đông xuân chủ yếu phục vụ thị trường Tết, nhưng do thiệt hại nặng từ hai đợt lũ muộn cuối năm 2016 vừa qua, khiến toàn bộ nông sản sắp thu hoạch của người dân mất trắng. Người dân phải chuyên canh lại từ đầu, không kịp cung ứng thị trường Tết”.

Ông Quốc cho hay, giá cả hiện sụt giảm là điều không tránh khỏi do nguồn cung ứng từ khắp các nơi đổ về quá nhiều trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu lại chỉ có chợ đầu mối Đà Nẵng, cung vượt quá cầu đẩy nông sản tụt dốc không phanh. Thiệt hại đến bây giờ đã gần 100 tỉ đồng. Nếu có đầu ra ổn định, không phụ thuộc thị trường thì giá cả nông sản của vùng chuyên canh rau sạch sẽ không còn thấp thỏm cạnh tranh với rau nơi khác. Đó cũng là vấn đề trăn trở của chúng tôi và người dân tại đây.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn