Trung Quốc chưa đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam

Thứ ba, 30/05/2017, 08:51
Trên các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam khẳng định, thông tin này chưa chính xác.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để hoàn tất hồ sơ, tiến tới đạt được thỏa thuận chính thức trong việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch.

Hiện Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan để hoàn tất hồ sơ chuyển cho phía Trung Quốc xem xét bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn đối với Việt Nam. Lệnh cấm này được Trung Quốc ban hành năm 2012, khi đó dịch lở mồm long móng có xuất hiện tại Việt Nam.

Trung Quốc chưa đồng ý nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam.

Trước đó, tại buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu ngành chăn nuôi tìm biện pháp giải cứu giá thịt lợn ngày 24/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải kêu gọi các doanh nghiệp hãy cùng chia sẻ với bà con chăn nuôi bằng cách giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 15 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, bình quân 5-6%/năm. Đến năm 2016, sản lượng thịt các loại đã tăng gấp gần 3 lần sau 15 năm, đạt 5,2 triệu tấn (thịt lợn chiếm 3,9 triệu tấn).

Tuy nhiên, thịt lợn đang “khủng hoảng thừa” nghiêm trọng. Giá giảm thấp nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, và cũng là thấp nhất trên thế giới. Hiện giá thịt lợn hơi nhiều nơi có giá dưới 25.000 đồng/kg.

Nguyên nhân đầu tiên là nguồn cung thịt lợn quá lớn dẫn tới dư thừa. Việc phát triển nóng dẫn đến hậu quả nguồn cung trên thị trường tăng mạnh; Khâu chế biến trong nước còn rất yếu. Bộ trưởng cho rằng trong nước chủ yếu bán thịt tươi, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài. Giá trị gia tăng của thịt lợn không cao.

Khâu tổ chức thị trường kém.Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Ngoài ra, việc quy hoạch các lò giết mổ trên cả nước có nhiều nhưng thực hiện rất yếu, chưa đạt hiệu quả để tăng cường giá trị gia tăng trong chuỗi. Ngoài ra, việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ trong dân nhiều, chưa có tổ chức quy mô lớn, tập trung, liên kết trong chuối yếu kém. Người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước những biến động thị trường.

Từ những thực trạng trên, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để "giải cứu" đàn lợn đang tồn đọng. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Cường thông tin thêm, nhân Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sang làm việc trực tiếp với Việt Nam về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt lợn. Bộ trưởng kỳ vọng hai bên sẽ tìm được giải pháp để xuất khẩu thịt lợn sang thị trường lớn này.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn