Thương lái thao túng thị trường thịt lợn suốt 8 tháng qua

Thứ sáu, 30/06/2017, 13:24
Ông Hoàng Thanh Vân- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ trưởng Bộ NNPTNT) đã cho biết như trên tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ NNPTNT tổ chức sáng nay (30.6).

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện nay đàn lợn có 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016 và giảm khoảng 1,6 triệu con so với 1.4.2017 do người nuôi không tái đàn.

Ông Hoàng Thanh Vân.

Sản xuất chăn nuôi thời gian qua gặp khó khăn lớn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Nguyên nhân là do những năm trước chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định, có lợi nên người dân đầu tư tăng đàn mạnh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ. Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ.

Cũng theo Bộ NNPTNT, công tác phát triển thị trường, dự báo cung cầu nông sản còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng sản xuất cung vượt cầu đối với một số nông sản, nhất là thịt lợn dẫn đến tiêu thụ chậm, giá giảm mạnh.

Một trong những nguyên nhân nhức nhối khiến lợn tiêu thụ chậm, giá thu mua lợn giảm mạnh nhưng giá bán cho người tiêu dùng vẫn rất cao theo đánh giá của ông  Hoàng Thanh Vân  - Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Chúng ta có thừa năng lực sản xuất thịt lợn, song lại yếu về khâu quản lý thị trường. Trong suốt 8 tháng qua, thương lái đã thao túng thị trường thịt lợn và chưa có dấu hiệu dừng lại, đến nay thương lái vẫn thao túng thị trường rất mạnh”.

Theo ông Vân, mặc dù không thể phủ nhận vai trò thương lái trong khâu tiêu thụ, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý, kiểm soát được lực lượng thương lái, quản lý thị trường trên cả nước còn nhiều hạn chế. Vì thế dù sản xuất rất tốt nhưng tiêu thụ sản phẩm lại có vấn đề, không theo kịp được khả năng sản xuất.

Đánh giá tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017, ông Vân cho rằng: “Ngành chăn nuôi đang phát triển tốt, có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra là 3%. Tuy nhiên sức tăng trưởng của ngành hiện nay hết sức mong manh, có nhiều dấu hiệu không tốt, việc tái đàn lợn diễn ra chậm, đầu tư trong phát triển chăn nuôi lợn chững lại, một số DN sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến nâng lên 1 triệu tấn thức ăn nhưng có dấu hiệu chững lại. Từ nay đến cuối năm có khả năng dư thừa sản phẩm chăn nuôi dù tái đang đang chậm”.

Ông Vân cũng cho biết, hiện ngành chăn nuôi đang rà soát lại 3 khu vực chăn nuôi chính là: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, các khu vực chăn nuôi tập trung và các nông hộ nhỏ. Từ đó, sẽ có công bố quy hoạch, cũng như đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo chính quyền các địa phương định hướng sản xuất cho phù hợp.

Giá thịt lợn hiện nay vẫn rất thấp.

Trước tình hình đó, ông Vân kiến nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT tiếp tục chỉ đạo chính quyền địa phương trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. “Trong đợt giải cứu lợn vừa qua có 4-5 địa phương làm rất tốt khâu tiêu thụ lợn cho bà con. Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò của địa phương là rất quan trọng, là chỗ dựa tin cậy để người chăn nuôi yên tâm sản xuất”- ông Vân nói.

“Hiện nay năng lực sản xuất đang rất tốt, sản xuất có thể tăng thêm 10% nữa vẫn được, tuy nhiên trong tình hình hiện nay, nếu tăng thêm thì người dân sẽ chết. Vì vậy đề nghị lãnh đạo bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của bộ về thị trường, đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu” – ông Vân cho biết thêm.

Ông Vân cũng cho biết, trong định hướng tái cơ cấu của ngành chăn nuôi sẽ duy trì đàn lợn từ 32-34 triệu con, nhưng hiện mới có 27 triệu con đã dư thừa thịt rồi, nên cần phải điều chỉnh lại con số này.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn