"Đại tang" ngành nuôi lợn: Đến lượt đại lý thức ăn “chết”!

Thứ bảy, 24/06/2017, 09:36
Cơn khủng hoảng thịt heo đang đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, các mắt xích bắt đầu rệu rã, mất kiểm soát. Lúc này, cả ngành chăn nuôi heo có doanh số hơn 10 tỉ đôla giống như một chiếc máy bay đang đáp… và mất kiểm soát!

Để tiết kiệm chi phí duy trì đàn lợn, anh Nguyễn Văn Giám ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) tăng cường cho lợn ăn rau trộn cám.

Đại lý thức ăn "chết chìm" theo giá heo

Ông Trần Văn Thảo, một đại lý thức ăn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nói rằng, hơn một tháng nay gia đình buộc phải kinh doanh cầm chừng để dành thời gian… đi thu hồi nợ. Hành nghề kinh doanh thức ăn, thuốc thú y nhiều năm nay, ông Thảo nói đây là lần đầu tiên cả hệ thống hậu cần, dịch vụ gồm con giống, thức ăn, thú y, vận chuyển… trong ngành chăn nuôi đồng loạt bị ngưng trệ, “chết chìm” theo con heo.

Thời thịnh, đại lý của ông có doanh số hơn ngàn tấn mỗi tháng, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, lượng cám bán ra giảm dần theo đà rớt giá heo hơi. “Cuối tháng 4, đầu tháng 5 tui quyết định ngưng bán để đi đòi nợ. Tiền nằm trong dân vẫn còn gần 1 tỉ nữa, chưa biết khi nào lấy lại được!” - ông Thảo tâm sự.

Lẽ thường, các đại lý thức ăn lấy cám từ nhà máy theo nhiều hình thức nhưng tuyệt đối không được mua chịu, trả chậm như cách mà họ làm với người chăn nuôi. Phương thức phổ biến nhất mà các nhà máy yêu cầu với đại lý là phải có tài sản, thế chấp ngân hàng để được ngân hàng bảo lãnh lấy thức ăn. Cũng có ít đại lý làm ăn uy tín lâu năm thì được nhà máy cấp thêm hạn mức, ngoài phần hạn mức có tài sản thế chấp.

Ngoài ra, còn có một phần rất nhỏ nhà máy tư nhân trong nước đầu tư sau này, nay muốn lấy thị trường nhanh thì sử dụng biện pháp bỏ cám xuống đại lý, chia hoa hồng, đại lý bán hết thì thu tiền. Số này không nhiều. Tóm lại, hầu hết hệ thống đại lý thức ăn muốn lấy hàng từ nhà máy phải có “tiền tươi thóc thật”, có tài sản thế chấp. Nhà máy họ “nắm cán” chứ không bao giờ “nắm chuôi”.

Thế nhưng, đến lượt đại lý bán cám cho các trang trại heo thì lại bán thiếu. Nông dân bán hết lứa heo mới trả tiền cám. Đây là cách làm ăn rủi ro nhất, nhưng vẫn được hệ thống đại lý thức ăn áp dụng, bởi rất ít người nuôi heo có tiền mặt. Hơn nữa, chính sách chiết khấu cao mà các nhà máy thức ăn đưa ra cũng khuyến khích đại lý đẩy mạnh bán chịu, bán nợ để cạnh tranh lẫn nhau.

Hệ thống cung cấp thức ăn là đối tượng “chết” sau người chăn nuôi.

Nguy cơ mất nhà cửa vì đại lý cũng đổ nợ

Ông Bảy Minh, một chủ đại lý thức ăn ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) nói gia đình ông còn khoảng 800 triệu đồng “mắc kẹt” ở bốn trang trại chăn nuôi heo, nhưng cơ hội đòi nợ là rất khó, vì các trại này đã gần như phá sản hết rồi.

Để được nhà máy thức ăn FDI ở Long An cấp hạn mức 1.200 tấn thức ăn mỗi tháng, ông Bảy Minh phải thế chấp căn nhà 200m2, cộng một trang trại gà đẻ, thêm sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng ở ngân hàng. Trong suốt ba năm liền, từ 2014 đến cuối 2016, theo ông Bảy Minh, kinh doanh thức ăn có lời do giá heo hơn cao, bán chạy. Thời điểm đó ông chỉ được nhà máy cấp hạn mức có 700 tấn mỗi tháng, nhưng đến khoảng giữa năm 2016, thấy thị trường đang tốt lên, ông liền thế chấp thêm một sổ tiết kiệm nữa để được cấp hạn mức lên 1.200 tấn.

Sản lượng bán ra tăng liên tiếp năm tháng, sau đó thì cũng là lúc thị trường heo hơi rơi vào khủng hoảng, tiền bán cám tăng lên còn nằm ở trong dân, lợi nhuận trước đây tích cóp được thì nay có nguy cơ mất trắng”, ông Bảy Minh chua chát.

Theo phân tích của một số nhà máy sản xuất thức ăn, sản lượng bán ra từ đầu tháng 4 đến nay đã giảm ít nhất 30 – 40%, do người chăn nuôi bỏ đàn heo. Điều này dẫn đến hàng tồn kho ở các nhà máy tăng lên cấp số nhân, cả thành phẩm lẫn nguyên liệu.

Trong cuộc họp bàn vấn đề giải cứu heo do Bộ NNPTNT tổ chức hồi cuối tháng 4.2017, ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nai từng cảnh báo: Nếu người chăn nuôi không được giải cứu sớm thì chắc chắn, toàn bộ hệ thống hậu cần gồm đại lý thức ăn, thuốc thú y sẽ phá sản, thành con nợ ngân hàng.

Ông Trần Văn Thảo phân tích, có đến 70% giá trị con heo là tiền thức ăn, nên bây giờ, giá heo hơi giảm còn 20.000 đồng/kg, so với giá thành, người nuôi mất 1,6 triệu, trong đó đại lý “gánh” 1,1 triệu đồng. “Gia đình còn gần 1 tỉ nữa, hơn tháng nay vợ chồng phải phân công túc trực ở từng trại heo mà mình bán chịu thức ăn, trực tiếp kêu lái vào bắt heo để thu hồi nợ!”, ông Thảo ngao ngán nói.    

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích