Ngày 8-8, mới hơn 20 giờ mà tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP.HCM), hàng trăm xe chở hàng rau, củ, quả từ Đà Lạt đã ào ào xuống hàng cho các chủ vựa.
Mua bao nhiêu cũng có
Phóng viên Báo Người Lao Động ngỏ ý muốn mua khoảng 100kg khoai tây Đà Lạt thì một chủ vựa đưa chúng tôi tới một lô hàng giới thiệu là khoai tây do người dân trồng ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Hàng mới về cách đây chỉ vài giờ.
Khoai tây Trung Quốc được nhập về tỉnh Lâm Đồng rồi dán nhãn mác Đà Lạt bán với giá cao |
Thấy khoai tây củ quá lớn, dài, vỏ dày và trông rất bóng, chúng tôi yêu cầu cắt ra một vài củ để xem ruột bên trong có thật sự là hàng Đà Lạt hay không. Chủ này từ chối ngay: "Anh xem kỹ đi, khoai tây Đà Lạt mới có da vàng thế này, còn ruột sẽ có màu vàng nhạt hoặc trắng đục. Trong khi khoai tây Trung Quốc, da sẽ có màu trắng nhạt, ruột có màu vàng đậm... tùy theo từng loại khoai".
Tại một vựa khác, chủ vựa cam đoan "muốn bao nhiêu cũng có". Chúng tôi vừa hỏi vừa cười "hàng này giống hàng bên kia về quá!" thì chủ này trừng mắt quát: "Hàng bên nào chứ? Đà Lạt 100% đó, giá 18.000 đồng/kg, lấy thì cho người chuyển ra xe luôn".
Nhiều chủ vựa tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết một số lấy từ vườn của người dân nhưng cũng nhiều hàng lấy từ các vựa củ, quả tại huyện Đơn Dương hoặc huyện Đức Trọng như vựa C.E, M.N, H.L… Đáng chú ý, bà L. một chủ vựa rau củ quả tại chợ nông sản Đà Lạt, từng khẳng định với phóng viên hàng của bà đều lấy từ Trung Quốc, trộn với đất tại vùng trồng khoai tây Lâm Đồng, để "hóa kiếp" thành hàng Đà Lạt rồi bỏ mối cho các vựa kể trên.
Dù nông dân và thương lái tại tỉnh Lâm Đồng đều khẳng định khoai tây, cà rốt của vùng này chưa đến mùa thu hoạch nhưng hiện mỗi đêm có đến hàng chục xe tải, xe container chở mặt hàng này từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức; sau đó được những người chở hàng thuê đưa vào các vựa. Đến khoảng 7 giờ hôm sau, tất cả mặt hàng trên đã được các tiểu thương đến mua hết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tiểu thương mua hàng về sẽ phân tán ra bán tại các chợ truyền thống. Một số được các chủ vựa "tuyển" để đưa vào bán tại một số siêu thị, các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Không kiểm soát được
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó Phòng Kinh doanh tiếp thị Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi ngày có khoảng 250 tấn nông sản Trung Quốc nhập về chợ. Các mặt hàng bao gồm: trái cây (lựu, lê, mận, táo, nho…), hành khô, tỏi khô, gừng, khoai tây, cà rốt, bắp cải, súp lơ…
Hàng Trung Quốc nhập chợ chủ yếu bằng xe container, khi vào chợ phải trình phòng quản lý bốc xếp hợp đồng vận chuyển và hồ sơ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Chỉ có những xe có đủ hồ sơ trên thì mới được đưa về chợ kinh doanh. Khi nhập chợ, hàng Trung Quốc đều được đóng gói và có dán nhãn phụ bằng tiếng Việt thông tin nhà nhập khẩu theo quy định.
Với quy trình trên, trường hợp nông sản Trung Quốc đã "quá giang" đâu đó để đổi nhãn mác và trộn chung với nông sản Việt thì công ty quản lý sẽ không kiểm soát được. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng từng chủ các sạp, vựa trong chợ cũng phải giữ uy tín và họ không thích kinh doanh hàng trộn.
"Chợ đầu mối Thủ Đức là nơi bán sỉ với số lượng lớn, người mua là dân chuyên nghiệp nên không dễ bị lừa. Ở chợ vừa có khoai tây Trung Quốc vừa có khoai tây Đà Lạt, khi 2 sản phẩm để cạnh nhau thì người mua rất dễ phân biệt và họ cần mua hàng đúng giá trị, không mua hàng Trung Quốc mà trả tiền hàng Đà Lạt. Cũng cần phân biệt thương nhân kinh doanh bên trong chợ đầu mối có đăng ký kinh doanh với các điểm bán bên ngoài chợ" - ông Phương lưu ý.
Theo ông Phương, nông sản nhập khẩu từ biên giới về chợ đầu mối cơ bản tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc khi trên từng thùng hàng đều có thông tin chi tiết về hàng hóa. "Tuy nhiên, khi hàng ra chợ lẻ lại không được kiểm soát tiếp nên mới xảy ra tình trạng đánh tráo xuất xứ, nhất là khi người tiêu dùng có tâm lý không thích hàng Trung Quốc nên tiểu thương phải che giấu để dễ bán hàng" - ông Phương kiến nghị.
"Với ngành chức năng thì doanh nghiệp thừa nhận là hàng Trung Quốc nhưng khi lực lượng chức năng rời đi, có một thương lái nào đó từ tỉnh, thành khác gọi đến yêu cầu là khoai tây Đà Lạt chẳng hạn thì họ lại chỉ ngay mặt hàng Trung Quốc này là hàng Đà Lạt. Như vậy, người tiêu dùng không phân biệt được và chỉ nhận thiệt về mình. Đây là vấn đề rất khó xử lý, trước mắt chúng tôi đành vận động thương lái trung thực trong kinh doanh để bảo đảm uy tín và sức khỏe người tiêu dùng..." - ông Hưng nói.
Theo NLĐ