Nông sản Trung Quốc nhái hàng Đà Lạt - Đủ chiêu hóa kiếp

Thứ ba, 21/08/2018, 10:42
Nông sản Trung Quốc như khoai tây, cà rốt… sau khi nhập về được các thương lái rửa sạch, phân loại rồi trộn đất, dán nhãn mác… để "phù phép" thành hàng Đà Lạt

Trong vai chủ vựa trái cây lớn ở TP.HCM đang cần hàng Đà Lạt, chúng tôi tìm đến 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương - nơi được gọi là "thủ phủ" khoai tây, cà rốt của tỉnh Lâm Đồng. Hầu hết người dân và chủ các nông trại đều cho biết hiện chưa vào mùa nên hàng hầu như không còn hoặc chỉ còn trữ lại với số lượng không nhiều.

Lấy đâu ra hàng Đà Lạt!

Khi chúng tôi nói rất cần hàng Đà Lạt vì đã ký hợp đồng cung cấp cho mối quen, nhiều chủ vựa rau quả lắc đầu, trả lời rằng "cháy hàng".

Tại một vựa ở huyện Đơn Dương, người bán hỏi chúng tôi có muốn lấy nông sản Trung Quốc không. "Như hàng nhà em vừa đi một xe rồi, toàn hàng Trung Quốc. Cách đây 1 tháng em bán khoai Đà Lạt chuyến cuối rồi, giờ Đà Lạt hết sạch khoai tây luôn. Trên đó lấy hàng Trung Quốc, rồi chia lại cho các đầu mối khác trộn đất Đà Lạt là thành khoai Đà Lạt" - người phụ nữ này nói.

Một chủ vựa tiết lộ thực tế đều là hàng Trung Quốc hoặc chỉ có khoảng 30% hàng Đà Lạt trộn lẫn 70% hàng Trung Quốc.

Chủ vựa củ, quả có tên Chúc Em ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương khẳng định khoai tây Đà Lạt muốn bao nhiêu cũng có nhưng giá 18.000 đồng/kg. Khi chúng tôi yêu cầu cho xem hàng mẫu để cung cấp cho mối quen tại TP.HCM xem trước, chủ vựa này từ chối.

"Hàng này chủ yếu bán ra chợ truyền thống thôi, các mối hàng lớn thì phải chờ thêm thời gian nữa mới đủ hàng" - Chúc Em nói.

Khoai tây muốn màu nào, có màu đó

Ngày 8-8, chúng tôi gặp bà L. - một chủ vựa rau, quả tại chợ nông sản Đà Lạt. Bà L. khẳng định cả chợ này đều là khoai tây Trung Quốc, hàng Đà Lạt nay làm gì có. Nhưng nếu lấy hàng "nhái" thì bà sẽ sẵn sàng cung cấp.

Bà L. dẫn chúng tôi vào phía trong ki-ốt, lấy ra một ít khoai tây Trung Quốc đã rửa sạch bóng cùng một ít đất cho vào bao bì, lắc lắc mấy cái. Tiếp đó, bà L. đổ khoai tây ra rổ. Khi khô, khoai tây chuyển màu hồng phấn giống y hàng Đà Lạt.

Như để chứng minh "khả năng" "phù phép" hàng Trung Quốc thành hàng Đà Lạt, chồng của bà L. ngồi bên cạnh đi vào trong ki-ốt lấy ra một ít khoai tây Trung Quốc bỏ vào một túi chứa đất màu đen, dùng 2 tay đảo đi đảo lại mấy cái nói: "Chú thấy chưa? Đẹp chưa, có thấy giống khoai tây Đà Lạt mới đào lên không?".

Chỉ một lát sau, khoai tây Trung Quốc sáng bóng lại biến thành những củ khoai tây dính đầy đất. "Giống khoai tây Đà Lạt mới đào lên chưa? Đây là khoai tây màu đen, khi nó khô giống khoai mới đào lên hơn, còn đây do mới trộn nên còn ướt, chưa được giống lắm" - bà L. chia sẻ.

Tùy theo yêu cầu của các chủ vựa mà bà L. sử dụng các loại đất khác nhau. Có chủ vựa yêu cầu khoai tây vỏ màu đen thì bà sử dụng đất đen, yêu cầu khoai tây màu vàng thì nhuộm đất vàng. Trong các màu thì làm khoai tây Trung Quốc thành khoai tây hồng phấn Đà Lạt mất nhiều thời gian nhất vì nếu gặp trời mưa sẽ không khô kịp, hàng không đẹp. Bà L. cam đoan sau khi "phù phép", chỉ có những người trong nghề mới nhận ra thôi.

Đất để "phù phép" từ khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, theo lời bà L., là đất tại các khu vực trồng khoai tây Đà Lạt, giá 20.000 đồng/bao.

Khoai tây Trung Quốc được rửa sạch đến bóng láng rồi trộn vào đất khu vực trồng khoai tây ở Đà Lạt và biến thành các loại khoai tây Đà Lạt.

Bà L. cũng chia sẻ các chủ vựa tại khu vực tỉnh Lâm Đồng như vựa củ quả T.V, vựa H.L, vựa C.E ở huyện Đơn Dương hay vựa L.L, vựa M.N (huyện Đức Trọng) đều lấy từ vựa của bà và tất cả đều được bà lấy hàng từ Trung Quốc về sau đó biến thành hàng Đà Lạt. Tuy nhiên, bà L. yêu cầu chúng tôi nếu lấy với số lượng lớn thì phải báo trước 2 ngày để có đủ thời gian "thay áo", khi đó cho ra hàng đẹp và giống hàng Đà Lạt hơn. Nếu làm với số lượng nhiều, bà L. sẽ để giá thấp hơn và có xe tải chở tới tận nơi.

Chia sẻ "kinh nghiệm" biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, một chủ vựa khác cho biết khoai tây Trung Quốc khi nhập về phải rửa thật sạch, sau đó để ráo nước, trộn đất vào và phải để từ 2-3 ngày cho khoai thấm đất và khô. Có như vậy khoai mới nổi bật màu lên được, bằng mắt thường rất khó nhận ra đâu là khoai tây Trung Quốc, đâu là khoai tây Đà Lạt.

Chúng tôi tìm đến một vựa củ, quả khác cũng nằm trong chợ nông sản Đà Lạt, chủ này cho biết hầu hết khoai tây, cà rốt hiện nay lấy từ Trung Quốc về, sau đó bằng các thủ thuật khác nhau để biến thành giống hàng Đà Lạt cung cấp cho các chủ vựa ở TP.HCM và một số tỉnh, thành khác.

Đối với cà rốt, không thể làm theo cách trộn đất như khoai tây mà phải đào hố bỏ xuống, sau đó dùng đất của Đà Lạt phủ lên, tưới thêm nước rồi để khoảng vài ngày thì bới lên đóng theo từng túi từ 10-50kg, tùy đơn hàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài khoai tây, củ dền, cà rốt, hiện nhiều củ, quả khác như hành tây, củ cải… cũng được các thương lái lấy từ Trung Quốc về, sau đó "phù phép" thành hàng Đà Lạt để bán ra thị trường.

Sau khi hoàn thiện, các chủ vựa sẽ đóng gói và dán nhãn mác hàng Đà Lạt để đưa về các chợ đầu mối, sau đó giao cho các tiểu thương nhỏ bán ra chợ truyền thống. Nhiều hàng nhái trong số này sẽ được chuyển thẳng xuống chợ nông sản ở TP.HCM.

Nhập từ Trung Quốc 100 tấn/tháng

Theo đại diện Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, mỗi tháng, chợ này nhập hơn 100 tấn khoai tây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bà L. cũng cho biết hiện toàn chợ nông sản Đà Lạt đều là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Đà Lạt. Hàng bà làm đang cung cấp cho cả nước.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn