Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Nói tôi giả chữ ký, trộm con dấu là vu khống trắng trợn

Thứ hai, 20/08/2018, 17:20
Với tư cách là đồng sở hữu, đồng sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên, đồng thời vẫn còn là người vợ chính thức và hợp pháp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, việc Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) khởi kiện bà là không có cơ sở, chỉ nhằm triệt hạ uy tín của người sáng lập TNS để buộc bà phải đầu hàng.

"Tôi không bao giờ ký chữ ký của người khác. Việc tuân thủ pháp luật là việc cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải làm!”, Bà Diệp Thảo nhấn mạnh.

Mình chiếm đoạt tài sản của chính mình, thật vô lý!

Liên quan việc Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện đã khởi kiện Công ty Trung Nguyên International (Singapore) được đại diện bởi bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tòa án Singapore, phía TNG cho rằng bà Diệp Thảo đã giả chữ ký, trộm con dấu để chuyển giao trái phép và gian lận 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ, gây thiệt hại cho nguyên đơn.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, việc khởi kiện đó là không có cơ sở, chỉ nhằm triệt hạ uy tín của người sáng lập TNS để buộc bà phải đầu hàng.

“Tại TNG và TNS vợ chồng Trung Nguyên sở hữu chung trên 90% số cổ phần. Thật là vô lý khi khởi kiện mình về chiếm đoạt tài sản của chính mình!”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, bà là người đặt nền móng đầu tiên cho Trung Nguyen International tại Singapore. Cụ thể,  năm 2008, bà Diệp Thảo sang Singapore phát triển mạng lưới kinh doanh quốc tế của Trung Nguyên. Ngày 28.4.2008, bà Diệp Thảo thành lập Công ty Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd (viết tắt là TNS, sau này đổi tên là Trung Nguyen International Pte., Ltd – viết tắt là TNI) với mã số đăng ký tại Cơ quan quản lý kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA) là 200808224R.

Trên Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN ngày 7.7.2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng chứng nhận bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án TNS (đính kèm Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN)

TNS có số vốn đăng ký ban đầu tại ACRA là 50.000SGD, là số tiền cá nhân của bà Thảo, với 1 chủ sở hữu duy nhất là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Năm 2010, bà sinh người con thứ 4. Trong thời gian này, bà vẫn giữ vai trò Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên.

Năm 2011, theo đề nghị của ông Vũ, bà Diệp Thảo đồng ý chuyển TNS vào hệ thống các Công ty thuộc TNG để thuận lợi hơn cho công việc gia đình và phát triển, điều hành Tập đoàn. Việc chuyển nhượng này chỉ là chuyển nội bộ trong gia đình, trong cùng Tập đoàn vì hai vợ chồng nắm giữ 93% số cổ phần của TNG.

Ngày 11.1.2011, bà Diệp Thảo và TNG ký hợp đồng chuyển nhượng. Trong hợp đồng ghi rõ bà Diệp Thảo là Tổng Giám đốc TNS và đại diện duy nhất của TNS đang nắm giữ 520.800 cổ phần (mệnh giá 520.800SGD) mong muốn chuyển nhượng số cổ phần trên cho TNG. Trên thực tế, bà là người ký hợp đồng bán TNS nhưng cũng chính là người ký thanh toán cho chính mình.

“Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng TNS này chỉ là hình thức để tái cấu trúc Tập đoàn Trung Nguyên mà thôi”, bà Thảo khẳng định.

Việc khởi kiện chỉ nhằm triệt hạ uy tín bà Thảo?

Liên quan đến vụ kiện tại Singapore, bà Diệp Thảo thông tin, khi xảy ra tranh chấp, ngày 29.9.2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã nhận định hợp đồng chuyển nhượng được ký ngày 11.1.2011 không có giá trị pháp lý, vì không phù hợp với các nguyên tắc căn bản của luật pháp Việt Nam. Vì vậy, Tòa án Singapore cũng đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện của TNG để chờ kết quả xét xử của Tòa án Việt Nam.

Trong vụ án ly hôn (sắp được xét xử), bà Diệp Thảo cũng đồng ý đưa TNS vào tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và chấp nhận chia cho ông Vũ.

Ngoài ra, bà Diệp Thảo cũng chỉ ra những điểm bất thường, phi lý trong lập luận của TNG với những lập luận như sau:

Thứ nhất, theo quy định của TNG, con dấu là do tổ thư ký giữ và bảo quản. Tổ thư ký chỉ đóng dấu khi đã có chữ ký của ông Vũ. Với một tập đoàn được an ninh và bảo vệ nghiêm ngặt như vậy thì làm sao một người khác có thể tùy tiện lấy để đóng lên hồ sơ chuyển nhượng mà ông Vũ không biết và không cho phép.

Thứ 2, việc nhân sự làm chứng trên hồ sơ chuyển nhượng không tận mắt nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu đơn chuyển nhượng là điều bình thường. Vì theo quy định của TNG, chỉ có tổ thư ký mới được trình hồ sơ cho ông Vũ ký. Vì vậy, nhân sự làm chứng không thể trực tiếp trình hồ sơ cho ông Vũ mà chỉ có thể thông qua tổ thư ký.

Thứ 3, việc bán các cổ phần với giá tượng trưng 1 đô la Singapore đã được 2 bên thỏa thuận. Giao dịch này hoàn toàn được chấp nhập ở nước ngoài, khi hai bên có mối quan hệ đặc biệt là vợ chồng và đều sở hữu khối tài sản chung ở TNG. Đặc biệt, Cơ quan ACRA của Singapore đã chấp thuận giao dịch này và chuyển lại cho bà là chủ sở hữu TNS vào ngày 10.7.2015.

Cuối cùng, Tòa án Singapore đã đình chỉ vụ án này, như vậy đứng trên pháp lý của Singapore thì bà Diệp Thảo đang là chủ sở hữu hợp pháp đối với TNS.

“Tôi vất vả nơi xứ người để xây dựng mạng lưới phân phối quốc tế cho TNG, trong hành trình gian nan ấy có không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của tôi. Tôi tin rằng sự thật sẽ được sáng tỏ”, bà Thảo nói.

Được biết, đây không phải là vụ kiện duy nhất mà TNG thực hiện nhằm khép tội cho bà Diệp Thảo. Những tháng cuối năm 2017, phía ông Vũ (Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên) cũng đã đề nghị Hải quan cho dừng xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7 từ Nhà máy cà phê Bắc Giang do bà Diệp Thảo điều hành, với lý do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với các nhãn hiệu của Tập đoàn này. Rất may Tổng cục hải quan và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã có công văn cứu nguy kịp thời để bảo vệ uy tín của xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Bà Thảo bàn giao con dấu nhưng TNG không nhận?

Trong một diễn tiến khác, tháng 8.2017, TNG gửi đơn khởi kiện, tố bà Diệp Thảo “cướp con dấu” vào ngày 16.10.2015, gây thiệt hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn này. Mục đích của vụ kiện này cũng nhằm bôi nhọ danh dự và uy tín của bà Diệp Thảo, bởi ngay sau đó TNG cũng đã tự làm lại các con dấu và giấy phép kinh doanh tại thời điểm này và sử dụng cho mọi hoạt động kinh doanh của TNG bình thường từ đó cho đến nay.

Trong thông tin gửi cho báo giới trước đó, bà Diệp Thảo cho biết, mọi việc bắt đầu từ việc TNG đột ngột đình các đơn hàng xuất khẩu vào đúng dịp chuẩn bị dịp Noel và đón năm mới. Nếu giao chậm trễ, công ty của bà sẽ bị phạt hợp đồng lên đến hơn 4,8 triệu USD cho 44 đơn hàng. Vì thế, vào ngày 16.10.2015, bà đã đích thân đến TNG lấy con dấu do bà đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Vì biết rõ bà Diệp Thảo là chủ của Trung Nguyên nên nhân viên thư ký đã giao toàn bộ con dấu và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Tập đoàn cho bà.

Sau khi xử lý xong công việc, đưa TNG khỏi nguy cơ bị phá vỡ hệ thống phân phối quốc tế, nhiều lần bà Thảo đề nghị bàn giao lại con dấu và các giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các Công ty, tuy nhiên phía TNG từ chối không nhận lại (đính kèm việc này được ghi trong 2 “vi bằng” của văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh).

Theo bà Diệp Thảo, mọi tranh chấp và kiện tụng do TNG thực hiện đều bắt nguồn từ việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà vào tháng 4.2015 không có lý do, trong khi bà vẫn đang là cổ đông chính của Tập đoàn này.

Ngày 22.9.2017, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã hủy bỏ quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Lý do hủy bỏ là theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty thì Chủ tịch HĐQT (ông Vũ) không có quyền miễn nhiệm người quản lý quan trọng của công ty (bà Thảo).

Song song đó, Toà tuyên bố khôi phục tư cách Phó Tổng giám đốc của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên và yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà điều hành và quản lý tại tập đoàn này.

Ngày 9.10.2017, TNG ban hành Quyết định số 012/2017/TNG/QĐ-CTHĐQT thu hồi Quyết định miễn nhiệm từ năm 2015. Ngày 10.10.2017, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo bản án này và tiếp tục ra Quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của bà Diệp Thảo.

Ngày 7.2.2018, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án này, nhưng phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã xin hoãn phiên tòa. Đến nay, sau hơn 6 tháng, phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa được mở lại, dù thời hạn tối đa để mở lại là sau 30 ngày.

Vì thế, thực tế là từ khi có bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, bà Thảo vẫn chưa được trở về điều hành công ty mà mình đã sáng lập và đang là đồng sở hữu.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn