Theo đó, công văn số 2344/TCQLTT-THKHTC của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu.
Theo QLTT, tình hình dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cùng với đó, thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ để hạn chế tình trạng trên.
Từ nay đến cuối năm, nguy cơ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. |
Cụ thể, tại khu vực biên giới các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, lực lượng QLTT chủ động xây dựng phương án phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.
Trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dự đoán trong hai tháng còn lại năm 2019 và quý đầu năm 2020, nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, đặc biệt trong dịp Tết Canh Tý. Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn.
Trước tình hình có thể thiết hụt nguồn cung trong dịp cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.
Giao Bộ Công Thương tính toán, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, đảm bảo nguồn cung- cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.
Đối với Bộ Tài chính và NHNN cần tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch tả heo châu Phi, Bộ Nông nghiệp và các địa phương không chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết 42 của Chính phủ….
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp phải ban hành hướng dẫn vận chuyển heo chế biến qua các địa phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo 2 Bộ Nông nghiệp và Công Thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt heo, có kế hoạch điều hòa cung cầu, chịu trách nhiệm với Bộ trưởng và Thủ tướng.
Theo VTC