|
Giá thịt lợn tiếp tục lập đỉnh giá mới, lợn hơi đã xấp xỉ 100 nghìn đồng/kg |
Ngày 19/12, giá thịt ba chỉ tại nhiều chợ truyền thống đã tăng lên mức 200.000 đồng/kg, tương đương mức giá của nhiều siêu thị và cửa hàng “thực phẩm sạch”.
Tăng giá từng ngày
Người đi chợ luôn nhận được câu trả lời của tiểu thương là do dịch tả lợn và giờ nhiều nông dân chưa kịp tái đàn nên không có lợn bán. Thực tế, tại nhiều chợ dân sinh, có những ngày, tiểu thương phải đóng sạp vì giá tăng cao, không có lợn bán và lượng người mua thịt lợn giảm hẳn so với trước.
Chị Nguyễn Hoa, tiểu thương tại chợ Thành Công (Hà Nội) cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi bán được 1 con lợn giờ chỉ bán được nửa con vì khó mua được lợn. Do giá lên tới 130.000 đồng/kg hơi nên giá thịt phải tăng theo. Giá thịt lợn tăng từng ngày khiến nhiều người đi chợ quay lưng. Chưa năm nào buôn bán ế ẩm như năm nay”.
Trên các diễn đàn chăn nuôi, buôn bán lợn với hàng nghìn thành viên, ngày nào người ta cũng hỏi nhau hôm nay giá lợn bao nhiêu để bán. Khi giá lợn hơi lên 130.000 đồng/kg, nhiều thành viên tiếc vì trót bán với giá rẻ hơn chỉ cách vài ngày.
Thành viên tên Thành Nguyễn cho biết: “Tôi vẫn chờ đến Tết mới bán vì giờ giá lợn lên từng ngày. Đàn lợn 400 con ngày nào cũng có người trả giá nên tôi vẫn quyết chờ thêm”.
Anh Nghĩa Khúc, nông dân nuôi lợn tại Bắc Ninh viết: “Lúc giá lợn hơi xuống còn 15.000 đồng/kg có ai cứu nông dân chúng tôi đâu. Người mua thịt lợn giá rẻ hỉ hả có ai giúp đỡ nông dân? Nhà tôi phải cắm sổ đỏ ngân hàng vì không có giải pháp nào. Nay thịt lợn lên giá, chúng tôi có quyền chờ giá cao hơn nữa để bán bù lúc dịch lợn”.
Ghi nhận ở Văn Giang (Hưng Yên), có trang trại đã xuất chuồng đàn lợn với giá 96.000 đồng/kg lợn đẹp, các loại lợn kém hơn được thương lái săn mua với giá trên 93.000 đồng/kg. “Với giá lợn hơi cao kỷ lục như hiện tại, trung bình mỗi con lợn người nuôi có thể lãi trên dưới một triệu đồng. Trước đây giá lợn thấp thương lái rất kén chọn, nhưng giờ giá tăng lên cao, cứ trại nào hở thông tin muốn xuất hàng là lái đổ đến mua ngay”, ông Phan Hoạt, chủ một trại lợn ở Văn Giang (Hưng Yên) cho hay.
Tại Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… khảo sát của PV cho thấy giá lợn hơi tại đây đang được giao dịch ở mức từ 92.000 - 110.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT “đá bóng” trách nhiệm?
Liên quan đến vấn đề thiếu hụt thịt lợn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tương Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. Trong văn bản, Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về thiếu hụt thịt lợn.
Trao đổi với PV, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 20/11 sau khi nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ, trong đó có chỉ đạo Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá cuối năm, Bộ NN&PTNT đã lập tức có báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng vào ngày 21/11, đồng thời triển khai hàng loạt công việc.
Bộ đã họp với Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê. “Đã thống nhất với Tổng cục Thống kê là thiếu 200 nghìn tấn. Về nhập khẩu thịt lợn, hiện không có quota, Bộ NN&PTNT cũng không phải là nơi cấp quota và đã thống nhất do Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, nhập ở các nước có quan hệ thương mại song phương để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt….”, ông Tiến nêu trách nhiệm của Bộ Công Thương.
Lý giải giá lợn hơi cao, có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói, hiện Trung Quốc đang hút lợn từ Việt Nam.
“Vấn đề là phải ngăn chặn được xuất lợn, sản phẩm thịt lợn lậu xuất qua biên giới. Bây giờ không xuất lợn hơi thì họ giết mổ rồi tuồn thịt sang bên Trung Quốc, xách được cân thịt sang bên đó lãi cả trăm nghìn đồng. Do vậy, các địa phương, và lực lượng phải kiểm soát chặt ở vùng biên”, ông Tiến nói.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo hệ thống, các lực lượng tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển buôn bán sản phẩm động vật, trong đó có thịt lợn ra, vào Việt Nam. |
Theo Tiền Phong