Còn khoảng một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng giá thịt heo tiếp tục đà tăng giá mạnh, kéo theo “cơn bão” giá các mặt hàng tiêu dùng khác. Nhiều ý kiến lo lắng nếu không ổn định được giá thịt heo thì thị trường sẽ biến động xấu. Vậy các cơ quan, đơn vị liên quan đã có phương án gì trước tình hình này?
Cam kết giữ ổn định giá ngày Tết
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay Sở Công Thương đã phối hợp cùng các sở, ngành, các doanh nghiệp (DN) có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ sớm. Theo đó, nguồn vốn các DN sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 19.000 tỉ đồng, tăng hơn 602 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2019…
Thực hiện kế hoạch chăm lo Tết cho người dân trên địa TP.HCM theo chỉ đạo của lãnh đạo của TP, Sở Công Thương đã làm việc với các DN liên quan để chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Canh Tý 2020. Theo đó, DN tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán một tháng trước Tết và một tháng sau Tết.
“Chúng tôi tập trung nhiều cho mặt hàng rất nóng hiện nay là thịt heo” - bà Trang nói và cho hay nhu cầu sử dụng thịt heo trong những ngày cận Tết chắc chắn tăng. Vì thế TP.HCM đang tập trung nhiều giải pháp nguồn lực để đảm bảo cung cầu hàng hóa.
“Chúng tôi đang làm việc với các DN, hiệp hội chăn nuôi các tỉnh có nguồn hàng đang cung ứng cho TP.HCM. Đồng thời yêu cầu hệ thống phân phối đưa thịt đông lạnh ra bán. Cùng đó những combo thực phẩm chế biến sẵn như khổ qua nhồi thịt, thịt kho trứng…cũng sẽ được bán ra để phục vụ người dân” - bà Trang cho biết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương cũng mong muốn người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt heo như thịt gà, bò, thủy hải sản…, những mặt hàng này Sở cam kết đầy đủ trên thị trường. Theo bà Trang, hiện nay các DN chăn nuôi, sản xuất gà dự báo sẽ tăng 30%-40% so với Tết 2019. Lượng thịt gà có thể bù đắp được sản lượng heo.
Cũng theo bà Trang, thay vì sử dụng thịt nóng, từ bây giờ bà con có thể sử dụng thịt heo đông lạnh. “Thịt heo đông lạnh chất lượng đảm bảo vì được các cơ quan chuyên môn kiểm định. Nguồn heo này được nhập khẩu từ các quốc gia không bị dịch nên người tiêu dùng hãy an tâm. Hệ thống phân phối của TP sẽ cung cấp thịt heo đông lạnh cùng với thịt nóng” - bà Trang thông tin.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có lượng heo đông lạnh nhập khẩu tăng 50%. Các DN đang được chỉ đạo nhập tiếp để phục vụ cho nhu cầu Tết. Theo bà Trang, cần có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất đối với mặt hàng thịt heo nhập khẩu… trong giai đoạn hiện nay.
“Giá cả theo quy luật cung cầu. Nếu bà con đồng tình với giải pháp đã được đưa ra sẽ góp phần giúp cho thịt heo hạ nhiệt. Mặt khác, bà con nên đến các siêu thị, chợ có điểm bán hàng bình ổn để có lượng hàng chất lượng, đúng giá” - lãnh đạo Sở Công Thương khuyến nghị.
|
Người tiêu dùng đến cửa hàng bình ổn để mua thịt heo chất lượng, giá ổn định. |
Sẽ tung ra hàng ngàn tấn thịt heo bình ổn giá
Ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho hay: Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm Tết, Saigon Co.op chuẩn bị từ rất sớm, tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước. Tổng lượng hàng cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết được dự trữ tăng 10%-15% so với năm ngoái. Tổng vốn chuẩn bị cho các mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường gần 1.000 tỉ đồng. Thủy hải sản là một trong chín nhóm hàng TP giao bình ổn và được Saigon Co.op giữ giá thấp hơn thị trường tối thiểu 5%-10%.
Riêng thịt heo, ông Toàn cho hay trong vài tuần gần đây lượng bán ra ở hệ thống Co.opmart có tăng nhưng không lớn, chủ yếu do người tiêu dùng trước đây mua ở chợ nay chuyển qua mua ở siêu thị. Mặt khác, do giá heo tăng cao nên người dân e dè, chuyển qua những mặt hàng thay thế khác.
3.000 tấn thịt heo, 2.700 tấn gạo, 1.900 tấn đường, 1.500 tấn dầu ăn, 1.750 tấn gia cầm, 8.000 tấn rau củ quả và 900 tấn thủy hải sản... là lượng hàng hóa bình ổn thị trường trong tháng cao điểm Tết năm nay của Saigon Co.op. |
Ngoài kế hoạch dự trữ 3.000 tấn thịt heo, Saigon Co.op còn có nhiều phương án khác. Cụ thể như tăng cường nguồn hàng thay thế là thịt gia cầm, các thực phẩm chế biến… “Với sự phối hợp giữa đơn vị sản xuất - phân phối, Saigon Co.op theo dõi thường xuyên chỉ đạo của các sở, ngành, nhất là đối với thịt heo từ nay đến tết. Đồng thời chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các DN nhằm đa dạng nguồn cung, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá” - ông Toàn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết năm nay là 800 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết 2019. Theo đó, Tết năm nay Vissan cung ứng ra thị trường trên 7.500 tấn hàng hóa, gồm thịt heo tươi sống, thịt bò 2.500 tấn, thực phẩm chế biến 5.000 tấn...
Bên cạnh đó, công ty còn chuẩn bị 3.000 tấn nguyên liệu thịt heo đông lạnh được đóng gói với trọng lượng 1-2kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt heo nóng biến động. Thời gian trước nguồn hàng thịt heo đông lạnh vẫn được dự trữ nhưng không dùng tới do heo nóng dồi dào, năm nay công ty đưa ra để bù đắp lượng heo nóng bị thiếu hụt.
“Tết này Vissan sẽ cung ứng đầy đủ thịt heo các loại mà TP giao với mức giá bán theo giá bình ổn thị trường” - ông An thông tin và cho hay với tình hình thị trường hiện nay, dự báo sức mua thịt heo sẽ không tăng so với Tết 2019 do giá heo quá cao.
Lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường Bộ NN&PTNT cho hay nhằm giữ ổn định thị trường mặt hàng thịt heo, Bộ này vừa có công văn gửi các tỉnh, TP và các DN chăn nuôi chỉ đạo về việc tái đàn heo trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đã có chiều hướng giảm mạnh. Cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Mục đích ngoài việc phục vụ tăng trưởng chung của ngành còn góp phần bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt dịp Tết Nguyên đán và đầu năm 2020. Đồng thời góp phần sớm bình ổn giá thịt heo đang ngày càng tăng cao. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các DN chăn nuôi tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán heo trái phép, các sản phẩm thịt heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước. Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay: Theo dự báo, từ giờ đến cuối năm 2019, nguồn cung thịt heo trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn. Do vậy bộ đã có giải pháp bình ổn nguồn cung cầu mặt hàng thịt heo dịp cuối năm cũng như các mặt hàng thiết yếu khác. Ví dụ, cho phép nhập khẩu thịt heo từ các nguồn đảm bảo an toàn. Bộ cũng đã yêu cầu các tổng công ty, tập đoàn lên phương án, kế hoạch phục vụ thực phẩm dịp cuối năm; khuyến cáo người dân gia tăng sử dụng các sản phẩm khác ngoài thịt heo. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. “Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ” - đại diện Bộ Công Thương cho hay. Tăng cường quản lý đầu vào với thịt nhập khẩu
Giá heo bấp bênh ngoài do quy luật cung cầu còn có tình trạng heo “chạy” từ Việt Nam qua Trung Quốc rồi từ Trung Quốc trở lại. Khi heo “chạy” qua Trung Quốc làm cho giá trong nước tăng đột biến, lúc Nhà nước kiểm soát chặt thì giá bắt đầu hạ nhiệt lại. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng cho bà con chăn nuôi trong nước rất lớn. Nhà nước cần tăng cường các biện pháp quản lý đầu vào đối với các nguồn hàng thịt nhập khẩu tràn lan trên thị trường. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay thịt heo nóng heo hơi trong nước không có, cần hướng dẫn cho người tiêu dùng chấp nhận thịt heo đông lạnh. Tổng giám đốc Vissan NGUYỄN NGỌC AN Thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt
Giá thịt heo ngày càng tăng cũng có thể do thịt vào các chợ truyền thống giảm, lượng thịt tập trung tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm tập trung bình ổn giá. Vì vậy, người dân nên lựa mua thịt heo trong các siêu thị, cửa hàng, giá cả và chất lượng sẽ được kiểm soát và ổn định hơn, nhất là trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang hoành hành. Cần có những giải pháp thông tin tuyên truyền về thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt. Giá heo đắt đỏ là cơ hội cho xu hướng thay đổi đó, người Việt nên giảm ăn thịt heo nhiều, thay thế cân bằng bởi nhiều loại thịt, thực phẩm khác nữa. Thịt heo ăn nhiều nhưng chất ít, trong khi ăn thịt gà, cá chất nhiều nhưng nhẹ bụng, tốt cho sức khỏe. Đó chính là những thông tin mà người tiêu dùng, bà nội trợ Việt Nam phải nắm được để thay đổi khẩu phần ăn gia đình. Ông PHẠM ĐỨC BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Kiểm soát thị trường, chống đầu cơ
Phải nhìn nhận thực tế hiện nay là nguồn cung heo đang giảm. Ngay cả một nhóm chị em hội viên thuộc hiệp hội trước đây một ngày cung cấp cho chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM khoảng 4.000 con heo thì nay chỉ còn khoảng 1.500 con heo. Khó khăn nhất là hiện nay Nhà nước nên kiểm soát thị trường thế nào. Cơ quan quản lý ngành cần đưa ra con số chính xác về nguồn cung heo hiện tại còn bao nhiêu để đưa ra biện pháp phù hợp nhằm bình ổn giá thị trường. Xét về kinh doanh lời lỗ, heo hơi với giá 90.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi nhưng hiện nay người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không được hưởng nhiều vì nguồn heo không còn. Rõ ràng nguồn cung thịt heo đang giảm nhưng gà, vịt Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP.HCM đầy đủ, thậm chí là dư. Hiện nay riêng tỉnh Đồng Nai đàn gia cầm, nhất là vịt, các trang trại tăng mạnh. Tổng đàn gia cầm, thủy cầm đã lên 28 triệu con, tăng hơn 6 triệu con so với trước đây. Nhiều ý kiến cũng cho rằng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán, chờ giá tăng cao hơn. Do vậy các chuyên gia cho rằng các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, phối hợp với các lực lượng khác để quản lý, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tích trữ... Ông NGUYỄN TRÍ CÔNG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai |
Theo PLO