Cụ thể, theo Bộ Công Thương, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao: lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với tuần trước. Mức giá này đẩy giá thịt lợn thành phẩm lên mức 160.000 – 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng như ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi; việc hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng không loại trừ nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một không ít người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán, chờ giá tăng cao hơn.
Giá thịt lợn đang tăng rất mạnh. |
Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 là khoảng 600.000 tấn.
Tại Hà Nội, sản lượng thịt lợn còn thiếu trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 3.500 tấn hơi. Lượng thịt thiếu hụt sẽ được bảo đảm từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào (sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%) và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt...gây mất ổn định thị trường.
Bộ Công Thương được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao việc chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020.
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Công Thương triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm và mặt hàng thịt lợn. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.
Bộ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số liệu chính xác về mức độ thiếu hụt mặt hàng thịt lợn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; kế hoạch tái đàn và dự kiến nguồn cung đối với mặt hàng thịt lợn đối với tháng 1/2020 và quý I năm 2020 để bảo đảm bù đắp thiếu hụt nguồn cung; chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đủ và theo đúng cam kết cho các doanh nghiệp phân phối, giảm giá bán nhằm dẫn dắt, bình ổn thị trường.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm soát tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt theo mức độ.
Theo VTC