Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng tiếp tục tăng và vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000USD/ounce trong bối cảnh đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm.
Chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với một số loại tiền tệ lớn khác, giảm 0,6% xuống 92,30 điểm. Chỉ số như vậy giao dịch ở ngưỡng thấp nhất tính từ năm 2018, theo tính toán của FactSet.
Đồng USD yếu có thể làm cho vàng tăng sức hấp dẫn bởi vàng được định giá bằng USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao sẽ làm cho sức hấp dẫn của vàng giảm đi bởi bản thân vàng không mang lại lợi suất như nhiều loại tài sản khác.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại tổ chức môi giới XM, ông Marios Hadjikyriacos, phân tích: “Việc lợi suất trái phiếu tăng vọt không khỏi tác động xấu đến đồng yên và vàng trong tuần trước, tuy nhiên tình hình đang thay đổi, lợi suất trái phiếu đang giảm trở lại”.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giao dịch ở mức 0,6%, giảm 1,5 điểm cơ bản so với ngưỡng vào ngày thứ Hai. Lợi suất trái phiếu chuẩn hiện đang ở mức thấp nhất tính từ ngày 11/8/2020, theo số liệu của Dow Jones Market Data.
Ông Hadjikyriacos nhận định: “Dù rằng điều chỉnh trong tuần trước, những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng thực ra vẫn còn nguyên. Các Ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục với gói kích thích kinh tế, bầu cử Mỹ sắp đến, căng thẳng với Trung Quốc đang ngày một tồi tệ”.
Gần đây, giá vàng tăng mạnh khi mà số lượng các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu lên sát mức 775.000, theo số liệu của đại học John Hopkins. Dấu hiệu căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang ngày một hiện hữu khi mà vào ngày thứ Hai, Bộ Thương mại Mỹ ra phán quyết mới chặn khả năng tiếp cận với chip ngoại của Huawei.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2020 tăng 14,40USD/ounce tương đương 0,7% lên 2.012,10USD/ounce. Trước đó trong ngày thứ Hai, giá vàng tăng 2,5%, phiên tăng tính theo tỷ lệ phần trăm cao nhất tính từ ngày 22/4/2020.
Giá vàng sẽ hướng đến những mốc nào?
Dù rằng hiện vẫn có nhiều hoài nghi về khả năng giá vàng sẽ chạm mốc 3.000USD/ounce, các chuyên gia thuộc Citibank cho rằng giá vàng sẽ có thể chạm mức 2.100USD/ounce trong quý này và 2.300USD/ounce trong từ 6 đến 12 tháng tới, tuy nhiên vẫn có rủi ro trong quá trình tăng giá của vàng.
Tuy nhiên chuyên gia Citigroup cảnh báo rằng việc tăng giá của vàng không phải cảnh báo cho khả năng lạm phát sẽ tăng mạnh như nhiều người lo ngại dù rằng các Ngân hàng Trung ương đang đẩy mạnh đưa ra các gói kích thích, ngoài ra tín dụng tư nhân tăng trưởng mạnh.
Nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Citigroup dẫn đầu bởi bà Catherine Mann, nhận định: “Vàng đang không phát đi chỉ báo về lạm phát”.
Việc tăng giá của vàng cũng không phải chỉ báo rằng đồng USD sẽ để mất vị thế tài sản dự trữ quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng dù rằng nhiều ý kiến khẳng định sự tăng giá của vàng có nguyên nhân trực tiếp từ sự giảm giá của đồng USD, cho đến nay, chẳng có loại tiền tệ hoặc nước nào sẵn sàng hoặc muốn đảm nhiệm vai trò của đồng USD.
Trên thực tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố chương trình hoán đổi đồng USD với một số nước khác, chương trình này cũng được cho rằng sẽ tiếp tục củng cố thêm vị trí thống trị thế giới của đồng USD.
“Thậm chí nếu như đồng USD có giá trị thấp hơn khi quy ra vàng, các đồng tiền khác cũng vậy”, các chuyên gia nhấn mạnh bởi nhắc đến đặc quyền quá cao của đồng USD.
Nhìn từ cốt lõi, các chuyên gia kinh tế khẳng định việc giá vàng tăng có nguyên nhân từ các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương. Chính sách này đã khiến cho lợi suất thực âm. Mức lợi suất mà nhà đầu tư thu được từ trái phiếu bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ lạm phát, kết quả, chi phí cơ hội của việc nắm loại tài sản không mang lại lợi suất như vàng giảm đi.
Chính mức lợi suất âm đã khiến nhiều nhà đầu tư mua vàng theo thời gian, ông Guy Foster, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Brewin Dolphin, đồng thuận.