Thất nghiệp đi làm ô sin
Sau nhiều tháng bị công ty nợ lương, chị Vương Phương Liên ở Gia Lâm (Hà Nội) đột ngột nhận được thông báo công ty phá sản. Quá bất ngờ, khi Tết Nguyên đán cận kề, lòng chị Liên như lửa đốt. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình, chị lên mạng đăng tin xin làm giúp việc theo giờ.
|
Chị bộc bạch: “Cả hai vợ chồng đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Trước, lương của hai đứa khoảng 7 triệu/tháng, tằn tiện cũng đủ chi tiêu cho gia đình 4 miệng ăn. Nay, mình mất việc, lương chồng làm nhà nước hơn 3 triệu/tháng, nghĩ mà buồn.
Tết nhất đến nơi rồi bao nhiêu thứ phải lo. Mình không muốn tết này cả nhà mất vui nên vẫn giấu chồng đi làm giúp việc trong giờ hành chính. Công việc lau dọn nhà cửa, mình cũng quen rồi, lương 30.000 đồng/giờ, tính ra ngày làm 2 ca cũng được hơn 200.000 đồng/ngày. Trong lúc khó khăn, số tiền này vô cùng giá trị, cùng chồng chăm lo cho cái tết”.
“Bụng đói đầu gối cũng phải bò”, câu nói đúng với nhiều gia đình trẻ hiện nay. Tốt nghiệp sư phạm mầm non, Bùi Thùy Nga (quê Phú Thọ) lấy chồng, sinh con, rồi mới tính chuyện đi làm. Bạn bè mừng cho Nga vì tốt số lấy được chồng làm công ty bất động sản, lương hơn 20 triệu/tháng.
Nhưng ai biết được chữ ngờ, thị trường bất động sản lao dốc, chồng Nga bỗng dưng thất nghiệp. “Ban đầu cũng hơi mặc cảm, có bằng ĐH đàng hoàng lại đi làm giúp việc. Nghĩ đi, nghĩ lại thấy con mình còn nhỏ, nếu mình xin đi làm, tiền ăn còn không đủ, lấy đâu ra tiền thuê người giúp việc trông con. Chi bằng mình đi làm theo giờ, vừa có thời gian chăm con, lại vừa có thêm nhu nhập. Kinh nghiệm học sư phạm, mình có thể chăm bé, cho bé ăn, chơi với bé và dạy bé học nữa. Cũng may gia đình chủ nhà rất tốt bụng, đồng ý cho mình đưa cả con theo”.
Không bó buộc thời gian trong gia đình chủ, người lao động có thể lựa chọn thời gian phù hợp, mức lương tương đối cao. Với những ưu điểm trên, nghề giúp việc theo giờ được coi là giải pháp tình thế cho nhiều lao động mất việc.
Lựa chọn của sinh viên
Vứt bỏ sĩ diện, mặc cảm, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH-CĐ không ngần ngại “xin” đi làm giúp việc. Bùi Thị Lương, sinh viên ngành kế toán, quê Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: “Khi mới ra trường, mình nghĩ có ai thất nghiệp cả đời đâu, trước hay sau cũng sẽ xin được việc. Vậy mà thời gian chờ việc đã trôi qua hơn nửa năm. Không thể ăn bám gia đình mãi, để có tiền trang trải việc học thêm văn bằng 2, mình sẵn sàng nhận làm bất cứ việc gì, từ lau chùi nhà cửa, trông trẻ, nấu ăn, đến chăm sóc ông bà già”.
Trong thời buổi khó khăn, không chỉ có phụ nữ mới đi giúp việc, nhiều nam giới, đặc biệt là những bạn trẻ sẵn sàng làm công việc vốn bị coi dành cho chị em phụ nữ “ít học”.
“Bây giờ là thời đại nào mà còn kén cá chọn canh. Ở nước ngoài sinh viên cũng làm thêm bằng việc đi rửa bát thuê, hái hoa quả đấy thôi. Việc gì kiếm được tiền là mình làm, miễn không phạm pháp, đâu có gì phải xấu hổ. Mình đã thi xong nên rất rảnh và cũng muốn kiếm thêm tiền nên nhận dọn nhà và trông nhà ngày tết cho các gia đình có nhu cầu. Hiện mỗi ngày mình nhận 3 “sô”.
Ngoài, ra mình đã nhận trông nhà cho một gia đình trẻ, vừa tưới cây, cho chó mèo ăn với giá 250.000 đồng/ngày. Nhẩm tính, tết này cố gắng kiếm 5 triệu đồng để dành mua máy tính”, Trần Văn Thọ, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân nói.
Hiện nay nhiều gia đình tổ chức đi du lịch dài ngày trong dịp tết. Đây cũng là cơ hội việc làm thêm của nhiều bạn trẻ. Cảnh giác với việc bị các trung tâm giới thiệu việc làm, cò môi giới lừa đảo, nhiều bạn trẻ chọn cách đăng tuyển thông tin trên các trang mạng. Thậm chí, họ không ngại ngần công khai danh tính, quê quán, điện thoại, trường lớp, trên trang mạng xã hội, trang Facebook.
Xu hướng giúp việc theo giờ ngày càng phổ biến được nhiều gia đình lựa chọn vì tiện lợi, giảm chi phí so với việc thuê người giúp việc ở hẳn trong nhà.
Về phía lao động, lựa chọn làm theo giờ có lợi hơn, không phải ở với gia chủ, họ vẫn có thể đi làm thêm, học thêm, hoặc chăm lo cho gia đình. Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc lao động thất nghiệp hay sinh viên đi làm giúp việc có thể xem đó là xu hướng chuyển dịch lao động bình thường.
Tới đây, giúp việc gia đình đang được đề nghị trở thành một nghề trong danh mục nghề quốc gia. Một công việc phù hợp, có thu nhập, được xã hội chấp nhận, chẳng có lý gì lại coi thường, đôi khi nó lại là cứu cánh trong lúc khó khăn.
“Không có công việc nào là xấu hổ. Quan trọng là mình kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Cứ xem công việc chân tay là công việc tạm thời, mình vừa làm vừa tìm công việc phù hợp với khả năng. Kiếm được đồng tiền trong hoàn cảnh này thì bạn mới quý nó và hiểu được giá trị của sức lao động”, ông Thành chia sẻ.
Theo Thanh Niên