Xuất lậu xăng dầu gia tăng

Thứ ba, 05/03/2013, 10:19
Ngày 4/3, tại buổi họp báo thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, vì giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn so với một số nước trong khu vực nên tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đang có xu hướng gia tăng.

Giá chênh 4.000 - 6.000 đồng/lít

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: “Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, trong nước thấp hơn (vì được bình ổn), đã xảy ra tình trạng các cửa hàng xăng dầu dừng bán hoặc bán không đầy đủ cũng như tình trạng buôn bán xăng dầu qua biên giới gia tăng”.

Theo ông Quyền, giá xăng dầu nước ta hiện thấp hơn giá một số nước trong khu vực từ 4.000 đến 6.000 đồng/lít. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận, thời gian qua có hiện tượng các cây xăng ngừng bán hoặc bán không đảm bảo.

buôn lậu xăng dàu

“Một số cây xăng thấy có biến động về giá, bằng nhiều hình thức như cho nhân viên nghỉ ăn cơm, đi đón con... để ngừng bán xăng”, ông Lam nói. Theo ông Lam, trước đây, khi có sự chênh lệch về giá trong và ngoài nước, người dân vùng biên giới dùng can hoặc thùng phuy để vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia. Mới đây, cảnh sát biển bắt vụ buôn lậu 10.000 lít dầu ở trên biển (ảnh).

“Vì lợi nhuận cao, nên các đối tượng làm ăn phi pháp áp dụng nhiều thủ đoạn để tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Vụ bắt giữ 10.000 lít dầu trên biển vừa rồi là kết quả của việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống buôn lậu xăng dầu. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu xăng dầu đã xảy ra từ cuối tháng 12/2012”, ông Lam cho biết.

Phát triển bô xít phải thận trọng

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), khi nói về việc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dừng xây dựng cảng Kê Gà và về hiệu quả của hai dự án bô xít Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông). Theo ông Quân, từ văn bản phân tích của Vinacomin, lãnh đạo Vụ thấy việc dừng cảng Kê Gà là hợp lý.

Đối với dự án Tân Rai (công suất 600.000 tấn/năm), Vinacomin đã đưa vào vận hành. Sản phẩm đầu tiên ra lò tháng 12/2012 với chất lượng đạt yêu cầu, thậm chí vượt mục tiêu.

Về một số trục trặc nhỏ tại dự án Tân Rai, ông Quân cho biết, chủ đầu tư đang phối hợp nhà thầu sửa chữa, hiệu chỉnh, để vào quý II/2013, chính thức đưa nhà máy Tân Rai đi vào sản xuất.

“Sau khi rà soát, chúng tôi đồng tình với Vinacomin là cần thiết phải xem xét lại một số điểm để điều chỉnh cho hợp lý. Ví dụ, cơ chế đền bù hiện nay rất cao (từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha), trong khi thời gian khai thác và phục hồi để trả lại diện tích đất ban đầu chỉ khoảng 2-3 năm. Ngoài ra, Vinacomin cho rằng, việc áp giá phí môi trường hiện cũng rất cao”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, phân tích của một số tổ chức uy tín trên thế giới cho thấy, sau giai đoạn 2020, giá alumin sẽ tăng với mức bình quân khoảng 450 USD/tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để khẳng định các dự án bô xít có hiệu quả kinh tế.

Theo Tiền Phong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn