Bỏ mặc giá vàng rơi?

Thứ sáu, 21/06/2013, 16:50
Sáng nay (21/6), phản ánh nhất định diễn biến trên thị trường thế giới, giá vàng trong nước cắm đầu giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng so với cuối chiều hôm qua.

Đây là lần thứ hai trong hơn hai tháng qua giá vàng có biến động mạnh như vậy. Lần trước, ngày 16/4, cú rơi ba mươi năm có một trên thị trường thế giới cũng đã phản ánh một phần ở diễn biến giá trong nước.

Chôn chặt vốn vàng?

So với đỉnh 48,3 triệu đồng/lượng của tháng 10/2012, giá vàng miếng SJC hiện đã mất 21%, chỉ trong chưa đầy một năm. Lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ chỉ biết đến tăng, thậm chí tăng chóng mặt như năm 2009, giá vàng mới hình thành một đà giảm mạnh và kéo dài như vậy.

giá vàng 

Diễn biến giá vàng SJC từ đầu năm đến nay.

Trong cuộc trao đổi hồi đầu năm, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI, đưa ra nhận định: Vàng đã bớt “lấp lánh” trong mắt dân cư. Đúc kết này có từ thực tế quy mô giao dịch sụt giảm so với những năm sôi động 2009 - 2011, và từ một xu hướng đứt gãy - rủi ro định hình rõ nét sau khi đạt mức cao nhất gần 49 triệu đồng ngày 23/8/2011.

Nói cách khác, sau hơn 10 năm chỉ biết đến sinh lời, thậm chí có giai đoạn gấp nhiều lần so với gửi tiết kiệm, đến nay người găm giữ vàng mới thực sự biết đến những lát cắt tài sản sâu như vậy.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước đã liên tục tăng trong khoảng thời gian trên và tăng rất mạnh những năm 2009 - 2011, lần lượt ứng với 64,32%, 30% và 24,09%. Những tỷ lệ sinh lời rất lớn đó càng củng cố tâm lý và nhu cầu găm giữ vàng trong dân cư, cũng như hoạt động đầu tư, bên cạnh nhu cầu trú ẩn trước lạm phát liên tục tăng cao.

Tuy nhiên, sự đứt gãy kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay, đặc biệt là đà rơi mạnh liên tiếp xuất hiện trong hơn hai tháng qua đang cho thấy rủi ro của việc găm giữ, hay khả năng bốc hơi giá trị tài sản bằng vàng. Nhưng “lạ” là, thị trường vàng Việt Nam vẫn thiếu cung kéo dài, nguồn hàng vẫn không thực sự trở lại giao dịch hay thể hiện ở hoạt động bán ra mạnh mẽ.

Như từng đề cập ở một bài viết gần đây, hơn 20 triệu lượng vàng miếng SJC từ trước đến nay đã được đưa ra thị trường. Chúng đang ẩn khuất ở đâu đó mà phần lớn không trở lại giao dịch. Hay như nhìn nhận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong lần trao đổi với báo chí gần đây, vàng nhập khẩu về rồi “tun tút” đi đâu, chắc chắn nó không chảy ra bên ngoài vì giá trong nước những năm gần đây luôn cao hơn giá thế giới.

Trước đà giảm kéo dài và mạnh, một lượng lớn găm giữ không bán ra để “cắt lỗ” hoặc để bảo toàn tài sản là một thực tế đáng suy ngẫm. Có một hướng nhìn nhận rằng, vàng là một công cụ tích trữ và che giấu tài sản mà không phải kê khai hay dễ lộ diện, cũng là một công cụ để rửa tiền với khả năng gói những giá trị lớn chỉ trong những bọc nhỏ…

Thế nên, vì bận đảm nhiệm những vai trò đó mà nhiều chủ nhân của chúng đã và đang bỏ mặc giá vàng rơi?

Lại thêm lực cầu?

Lượng hàng lớn đã không trở lại. Hai năm qua thị trường khan cung (vàng miếng SJC), mà một phát sinh là chênh lệch giá trong nước so với thế giới doãng rộng và kéo dài. Từ 28/3/2012 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu tạo cung qua đấu thầu.

Nhưng, dường như càng đấu lượng hàng càng mất hút mà chênh lệch giá vẫn trêu ngươi, như hiện tại là hơi hướng trở lại khoảng cách trên 6 triệu đồng/lượng. Nếu lượng vàng lớn đang bị găm giữ đâu đó được bán ra thời gian qua, như một phản ứng thông thường để cắt lỗ hoặc bảo vệ tài sản trước rủi ro, thì có lẽ Ngân hàng Nhà nước không phải nhọc sức, mà vênh giá đã được thu hẹp.

Ngược lại, chênh lệch giá lớn lại đang “bảo hộ” giá trị tài sản cho một bộ phận găm giữ và bỏ mặc giá vàng rơi nói trên; giả sử giá trong nước liên thông hoặc bám sát giá thế giới lúc này thì một phần giá trị đang găm giữ đã “bốc hơi” trông thấy. Tất nhiên, nếu vậy cũng là một thiệt hại đối với những người dân thực sự tích cóp và dành dụm ở vàng.

Dù có những góc nhìn hay quan điểm khác nhau, nhưng thu hẹp chênh lệch vẫn là yêu cầu đặt ra. Giá liên tục giảm mạnh, thị trường vẫn thiếu cung. Để thu hẹp sẽ vẫn phải đấu thầu và tạo cung.

Tính đến phiên đấu thầu sáng nay, đã gần 34 tấn vàng được bán ra, ứng với khoảng 1,7 tỷ USD nhồi thêm vào thị trường vàng. Tuy nhiên, con số đó là rất nhỏ khi tính cho hai năm nén cung không cho nhập khẩu. Nếu như trước đây, theo quy mô nhập khẩu mà Ngân hàng Nhà nước từng ước tính, hai năm đó đã phải ngốn khoảng trên dưới 10 tỷ USD.

Chưa dừng lại, từ nay đến 30/6 - thời điểm các ngân hàng phải hoàn thành việc tất toán trạng thái, lượng cung qua đấu thầu sẽ có thêm nữa. Câu hỏi là các ngân hàng còn phải mua bao nhiêu? Bên cạnh nhu cầu vàng kinh doanh, nhu cầu tất toán theo ước tính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong bản tin cung cấp cho nhà đầu tư ngày 19/6 vừa qua, là khoảng 3,5 tấn. Còn theo ước tính của một đầu mối tham gia đấu thầu, có thể vào khoảng 5 - 6 tấn nữa.

Sau 30/6, cứ cho các ngân hàng tất toán xong, chênh lệch giá liệu có dễ thu hẹp không hay vẫn tiếp tục trêu ngươi? Sau thời điểm đó, một lực cầu lớn từ các ngân hàng được cắt bỏ, việc thu hẹp có thể thuận lợi hơn.

Tham khảo dự tính của HSC: “Sau hạn chót 30/6, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực giảm khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới xuống dưới 4 triệu đồng/lượng (10%). Và có thể là xuống khoảng 2 triệu (khoảng 5%) sau vài tháng. Để đạt được điều này Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải tăng cường nguồn cung cho thị trường vào tháng 7”.

Nếu vậy, nguồn cung vẫn cần được đẩy thêm cho thị trường, tiêu tốn thêm ngoại tệ. Cũng lưu ý rằng, nguồn ngoại tệ ở đây là từ dự trữ ngoại hối, không phải là gom mua trên thị trường để đưa đi nhập khẩu vàng gây áp lực tức thì đối với tỷ giá USD/VND như một số phân tích gần đây. Thậm chí, không loại trừ khả năng trước khi tổ chức đấu thầu, dự trữ ngoại hối cũng đã sẵn có vàng và dành riêng một cấu phần ngoại tệ cho hoạt động này…

Còn lúc này, bên cạnh lượng bị găm giữ, cung vàng cho thị trường vẫn không ngừng tăng, vốn vẫn chôn thêm vào vàng, thậm chí khi mức giá về thấp nhất trong ba năm qua có thể càng kích thích thêm lực cầu. Tất nhiên, bắt dao rơi dễ đứt tay; giá mới chỉ là một yếu tố, bên cạnh việc cân nhắc rủi ro hay khả năng phục hồi/sinh lời của quyết định đổ tiền vào nó.

Theo VnEconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích