Nghệ sĩ thương tiếc nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Thứ tư, 09/01/2013, 17:16
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: "Nhớ về Hà Nội", "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Trở về dòng sông tuổi thơ"... ra đi để lại niềm đau xót, tiếc nuối khôn nguôi trong lòng khán giả và văn nghệ sĩ từng gắn bó với ông.

GS-NS Ca Lê Thuần: Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ tài hoa!

Với tôi, Hoàng Hiệp là người có trái tim dễ rung cảm trước vẻ đẹp của đất nước, con người. Trong hơn 100 ca khúc của anh luôn ẩn hiện hình bóng người con gái Việt Nam nhân hậu, hiền lành.

Nói vui trong giới sáng tác của chúng tôi, khó có ai đếm hết những hình bóng giai nhân đã là nhân vật trung tâm của những bản tình ca, nhưng với Hoàng Hiệp, chỉ có một người con gái Hà Nội làm trái tim anh say đắm, thăng hoa. Đó chính là nghệ sĩ sân khấu Diễn Lan - người vợ cùng ông đi suốt sáu mươi năm tình nghĩa mặn nồng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc năm 1954, quen và yêu cô gái xinh đẹp có nhà ở phố Nguyễn Du. Chiều chiều, hai người thường tản bộ từ đường Nguyễn Du ra Khâm Thiên và từ tình cảm đó, ông đã viết nên ca khúc để đời “Nhớ về Hà Nội” với nỗi nhớ rất chung của cả một thế hệ và rất riêng của chính anh: “Nhớ phố Khâm Thiên đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng…”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp năm 1997 trong ngày cưới của ca sĩ Ngọc Ánh

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có đời sống tình cảm ổn định hơn bất cứ nghệ sĩ nào mà tôi biết. Anh đã mang đến cho chúng ta biết bao ca khúc: Đợi anh về (thơ Ximônốp, Lê Giang dịch), Câu hò bên bến Hiền Lương ( lời Hoàng Hiệp- Đằng Giao), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật)... Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ có trái tim yêu tuyệt vời!

*Nhà văn Đoàn Thạch Biền: Chúng tôi luôn nhớ về anh! 

Tôi may mắn có dịp làm việc cùng anh một thời gian dài khi còn cộng tác với Tạp chí Sóng Nhạc của Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh là người có công giúp những bài thơ đến gần hơn với khán giả.

Thời đó, tôi còn tham gia làm tuyển tập Áo trắng, anh thường đọc những trang thơ rồi gật đầu thú vị trước những vần thơ của tuổi sinh viên mà theo ông có thể “tung tẩy trên những khung nhạc”.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhà văn Đoàn Thạch Biền năm 2000 tại Nhà hát TP

Tôi kính trọng quá trình lao động sáng tạo của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, bởi điểm lại những ca khúc viết về năm tháng chiến tranh của anh sẽ thấy không kêu sầu thảm thiết, lên án gay gắt mà đem đến một góc nhìn mới, lãng mạn nhưng đanh thép, biến âm nhạc thành công cụ kêu gọi toàn dân đoàn kết.

Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Ngày đó tôi đến Nhà hát Thành phố chúc mừng, anh cười khi bắt tay tôi: “Giải thưởng thêm phần trọng trách, mình không có dừng lại…”. Và anh vẫn miệt mài sáng tác, vẫn chọn thơ trong tuyển tập Áo trắng để đọc, để phổ nhạc.

Vĩnh biệt anh Tư Hoàng Hiệp! Công chúng và văn nghệ sĩ cả nước luôn nhớ về anh.

*NSND Bạch Tuyết: Tri ân cống hiến của ông với nhạc Việt!

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người tiên phong mở hướng sáng tác những bài tình ca và từ những ca khúc đó giới soạn giả cải lương đã sáng tác tân cổ giao duyên.

Tôi vinh dự được hát hai ca khúc sáng tác tân cổ giao duyên của nhạc sĩ Hoàng Hiệp và soạn giả NSND Viễn Châu, đó là bài: Con đường có lá me bay (thơ Diệp Minh Tuyền) và Em vẫn đợi anh về (đưa vào vở cải lương Thiên thần áo trắng). Ông là người tài hoa, có tâm lành và luôn sống tốt với mọi người. Ông trân trọng nghệ thuật cải lương và sân khấu dân tộc.

Tôi nhớ những năm đầu mới thống nhất đất nước, ông luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nghệ sĩ chúng tôi. Tôi quý mến tính cách con người Nam Bộ nơi ông, đặc biệt khi biết ông là người An Giang, đồng hương với tôi.

Tôi xin thắp nén hương lòng vĩnh biệt một tài năng của An Giang nói riêng và của nước Việt Nam nói chung, tri ân những cống hiến mà ông đã dành cho âm nhạc Việt.

*Ca sĩ NSƯT Thanh Thúy: Biết ơn chú Tư!

Chú Tư gần với tôi lắm, gần từ những năm tôi còn bé xíu tham gia văn nghệ thiếu nhi, rồi năm 1993 đi thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM. Khi đó, chú là thành viên trong ban giám khảo và luôn động viên không chỉ riêng tôi, mà với nhiều thí sinh khi đến với cuộc thi này.

Những năm sau chú tin tưởng giao tôi thể hiện những ca khúc Viếng lăng Bác. Tôi hát bằng giọng miền Nam, quay ngoại cảnh ca khúc này tại khu tưởng niệm nhà sàn của Bác Hồ và trước lăng Bác.

Chú Tư sau khi xem HTV phát sóng đã xúc động khen ngợi, chú nói tôi thể hiện rõ sự gần gũi, mộc mạc của người con miền Nam ra thăm lăng Bác. Tôi cũng được đông đảo khán giả Hà Nội yêu mến với ca khúc này.

Biết chú về miền vĩnh hằng, tôi xúc động vô cùng khi nhớ đến những lời dặn dò của chú lúc tôi vừa đoạt giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp ca nhạc: “cháu còn nhỏ tuổi hãy cố gắng nhiều hơn, thành công sau phải cao hơn thành công trước!”.

Nghiêng mình trước chú nói lời vĩnh biệt nhưng tôi tin chú sống mãi vì những cống hiến lớn lao cho nền âm nhạc nước nhà.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ tại Nhà hát TP.HCM năm 2000 khi ông đón nhận giải thưởng Hồ Chí Minh

Ca sĩ NSƯT Hồng Vân: Buồn da diết khi nghe tin anh đi xa!

Mỗi lần tôi đi hát, ngoài việc được khán giả yêu cầu trình diễn bài Câu hò bên bến Hiền Lương còn có vô số ca khúc khác: Mùa chim én bay, Con đường có lá me bay... do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc.

Anh Tư sống rất chan hòa với anh em nghệ sĩ. Hồi đó, anh là người đấu tranh để tôi được đứng vào danh sách xét duyệt danh hiệu NSƯT.

Anh Tư không phân biệt người ca sĩ tại chỗ với ca sĩ từ chiến khu về, luôn gần gũi, thương yêu, xem những bức xúc của anh em ca sĩ, nhạc sĩ, nhất là nhạc công, giảng viên thanh nhạc, giới sáng tác khí nhạc….là chuyện của chính anh. Nay anh đã ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi cảm thấy buồn da diết.

Thương anh Tư quá…! Xin gửi một cành hoa đặt nơi trái tim người nhạc sĩ, hương hoa đó tỏa ngát ngàn năm sau với giai điệu tuyệt đẹp mà anh để lại cho đời.

*NSƯT Hữu Châu: Ca khúc của ông sống mãi với thời gian!

Tôi biết đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp từ rất lâu từ những giai điệu ngọt ngào: Nhớ về Hà Nội, Con đường có lá me bay... Những năm tôi học ở trường Nghệ thuật sân khấu II – nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, tôi còn biết đến ông qua những sáng tác âm nhạc cho sân khấu kịch nói.

Ông từng sáng tác âm nhạc cho nhiều vở kịch: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu.... các vở cải lương: Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa và viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn...

Bấy nhiêu thành tích đó đủ để các thế hệ nghệ sĩ chúng tôi – dù ở bất cứ lĩnh vực nào đều phải nghiêng mình trước ông.

Hay tin ông nhập viện tôi và nhiều anh em nghệ sĩ sân khấu đã cầu nguyện ông sẽ vượt qua, nhưng rồi không tránh khỏi quy luật của cuộc sống. Tôi tin ông sẽ luôn mỉm cười vì ca khúc của ông mãi mãi lưu dấu trong cuộc sống hôm nay và cả mai sau.

*NSND Thu Hiền: Nhớ mãi ký ức về anh!

Tôi nhớ mãi ký ức khi lần đầu nghe ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, lúc đó lòng tôi đã nao nao, mong có ngày mình sẽ được thể hiện bài hát hay đến dạt dào cảm xúc.

Và ước mơ đó đã thành hiện thực, sau khi ca sĩ Văn Hanh - người đầu tiên thể hiện ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương khoảng năm 1957, ban biên tập đã nhận được rất nhiều thư yêu cầu phát lại trong chương trình “Hộp thư yêu cầu” của Đài.

Tôi vinh dự được mời thu âm và cũng nhận được nhiều lá thư gửi về cám ơn bày tỏ niềm thương cảm với nhạc sĩ bởi những ca từ trong trẻo, sâu lắng trong lời bài hát đã làm thính giả thêm yêu mến quê hương, đất nước, căm thù quân xâm lược.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có hơn 20 năm sống ở Hà Nội, cho đến 1975 thì trở về miền Nam. Anh đã viết hàng trăm bài hát, trong đó tiêu biểu phải kể đến Câu hò bên bến Hiền Lương. Tôi vinh dự khi là người nghệ sĩ được hát ca khúc này.

Với anh, mỗi ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình, đã trải đều cho 3 miền đất nước với các dấu ấn đậm nét: Miền Trung - Tây Nguyên có bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Lá đỏ”; miền Nam thân yêu của ông có bài “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Con đường có lá me bay”. Và miền Bắc, nơi anh có một tình yêu rất đẹp đã có bài “Nhớ về Hà Nội”. Tôi tin anh vẫn sống vì nhân dân cả nước không bao giờ quên những bài hát bất hủ đó.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Xuân Hồng tại Nhà hát TP trong đêm nhạc vinh danh nhạc sĩ Xuân Hồng năm 1994

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn