60 năm sáng tác, ông có gia tài âm nhạc cực kỳ dày dặn và đa dạng với hàng trăm bài hát, từ chất hàn lâm đến hiện đại dân gian và rất nhiều bài là những dấu ấn với lịch sử, với đất nước hay trong lòng mỗi người nghe.
Trong những năm đầu sau khi Hiệp định Genève ký kết, người dân cả nước, được an ủi bằng giai điệu hết sức da diết của ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Hoàng Hiệp phổ từ lời thơ của Đằng Giao: “Bên ven bờ Hiền Lương - chiều nay ra đứng trông về - mắt đượm tình quê...”.
Giai điệu dịu dàng như vừa khẽ khàng băng bó vết thương kia, vừa thầm nhắn nhủ cuộc đời hãy vững tin vào một ngày đoàn tụ không xa. Người mến mộ âm nhạc bắt đầu biết đến Hoàng Hiệp qua ca khúc này, được Thương Huyền thể hiện trên làn sóng phát thanh.
Hoàng Hiệp có tên khai sinh là Lưu Trần Nghiệp. Ông sinh ngày 1.10.1931 tại An Giang. Tham gia cách mạng từ tháng 8.1945, Hoàng Hiệp cùng nhiều nhạc sĩ miền Nam tập kết ra Hà Nội và tham gia tu nghiệp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc VN.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Khi miền Bắc bắt đầu cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ bắn phá, ca khúc “Ngọn đèn đứng gác” - phổ thơ Chính Hữu - qua giọng hát trầm tĩnh của Mai Khanh, đã thắp lên trong lòng cả thế hệ thời ấy ngọn lửa hừng hực của lòng yêu nước. Người trụ bám hậu phương hát vang. Người lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” cũng hát vang trên mọi nẻo đường hành quân.
Hoàng Hiệp thực sự là “ông hoàng” của việc xe duyên thơ nhạc. “Cô gái vót chông” - phổ thơ Molyclavy - thật mới mẻ, phơi phới. “Đất quê ta mênh mông” - phổ thơ Dương Hương Ly - đưa người đọc đến những địa đạo khu V khốc liệt. “Trường Sơn đông – Trường Sơn tây” - phổ thơ Phạm Tiến Duật - với những cung bậc đầy biến ảo.
Cuối cuộc chiến tranh, những người lính Trường Sơn lại hút hồn theo giai điệu dự báo chiến thắng từ giọng nam cao Quốc Hương qua ca khúc “Lá đỏ” - phổ thơ Nguyễn Đình Thi...
Sau ngày thống nhất, Hoàng Hiệp vào làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, cùng Xuân Hồng, Phan Huỳnh Điểu... là những trụ cột xây dựng phong trào âm nhạc ở thành phố phương Nam. Đã đầy bản lĩnh, Hoàng Hiệp càng thăng hoa trong không khí đổi thay với những tiếp nhận hiện đại qua dàn nhạc điện tử.
Ông lại tiếp tục da diết những suy tư về đất nước quê hương qua “Viếng lăng Bác”, “Con đường có lá me bay”, “Mùa chim én bay”, “Đợi anh về”... Cứ thế, dòng chảy âm nhạc của Hoàng Hiệp qua ca khúc, nhạc sân khấu, nhạc phim... tạo nên ấn tượng cao sang và riêng biệt.
Những ca khúc Hoàng Hiệp tự viết lời cũng ấn tượng không kém. Tình khúc “Nơi em đến” được lớp trẻ đón nhận như tiếng lòng mình: “Nơi em gặp anh – có hoa vàng rực rỡ - có khung trời mộng mơ...”. Quê hương An Giang của ông cũng được ông trả nghĩa thật đằm thắm: “Quê hương ai cũng có một dòng sông...”.
Cảm động nhất là sự trả nghĩa của ông đối với Hà Nội từng sống qua “Một thời đạn bom – một thời hòa bình” bằng “Nhớ về Hà Nội” vừa thầm thì tự sự, vừa thổn thức yêu thương: “Nhớ những con đê mòn lối xe – bước chân năm tháng đi về - và nhớ - tiếng leng keng tầu sớm khuya – hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy...”.
Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Giờ đây, người của những giai điệu đẹp đẽ, trong sáng và đầy nhân ái đã ra đi. Nhưng như lời bài hát “Ngọn đèn không tắt” (ông phổ thơ Chính Hữu), Hoàng Hiệp cũng là một tâm hồn không bao giờ tắt.
Theo Laodong