Những ngày cuối năm, không khí Sài Gòn có phần rộn ràng hơn rất nhiều, cuộc trò chuyện vì thế cũng sôi nổi hơn. Vẫn là một Nguyễn Quang Dũng vui vẻ, hóm hỉnh, anh nói nhiều về cuộc sống, về công việc và đôi chút ngập ngừng khi nói về phụ nữ…
Tôi thấy họ làm rất tốt
- “Mỹ nhân kế” hiện đã đóng máy, được biết đến với dàn diễn viên gồm các mỹ nhân trong showbiz, có vẻ như anh nắm bắt được nhu cầu hiện nay của khán giả là gì?
- Khi casting tôi không quá suy nghĩ về điều đó. Nhiều người nghĩ rằng tôi hay mời đối tượng này đối tượng kia vì có mục đích. Nói nghe có vẻ lý thuyết nhưng tôi nghĩ đạo diễn nào cũng vậy: đầu tiên nghĩ đến nhân vật, diễn viên đó giống nhân vật nào trong kịch bản của mình. Với dàn diễn viên hiện có của “Mỹ nhân kế”, khi họ casting, tôi thấy họ làm rất là tốt. Nói thật, chọn diễn viên tên tuổi có lợi hơn là chuyện bình thường!
- Có thông tin cho rằng anh làm bộ phim này vì hai nàng thơ Thanh Hằng và Tăng Thanh Hà?
- Đúng vậy, các cô ấy được chọn trước khi tôi viết kịch bản này. Lúc ngồi với Hằng và Hà, thấy họ chơi thân với nhau, tôi chợt nảy ra ý tưởng sao mình không làm phim mà hai cô này đối đầu nhau. Cả ba đều cảm thấy ý tưởng đó thú vị. Thế là tôi về viết kịch bản, còn hai cô kia đi học võ (cười).
- Anh nói, chọn diễn viên có tên tuổi thì sẽ lợi hơn, nhưng hình như trong các gương mặt ấy, họ nổi bật không phải vì khả năng diễn xuất, anh nghĩ sao?
- Tôi thì không biết ai không đánh giá cao chứ tôi thì đánh giá cao diễn xuất của họ. Rất nhiều người tham gia casting, phải thấy họ hay thì mình mới chọn. Diễn viên cũng hên xui may rủi, nhiều người có khả năng nhưng sự nghiệp lại bắt đầu với những phim không thành công, cũng có những người tài nhưng không hợp nhau nên không ra được tác phẩm tốt. Tôi tin “Mỹ nhân kế” sẽ khiến mọi người ngạc nhiên với diễn xuất của dàn diễn viên.
- Đây là lần đầu tiên anh làm một phim về võ thuật, anh có gặp khó khăn nào không?
- Tôi thì tôi nghĩ ở Việt Nam làm gì chẳng khó khăn? Điện ảnh Việt Nam luôn khó khăn từ ngày bắt đầu cho đến bây giờ, cứ nói về khó khăn riết ai cũng chán. Mình không có truyền thống làm phim võ thuật, ví dụ ở nước ngoài, anh không phải là đạo diễn võ thuật nhưng anh có một ekip tuyệt vời. Như ở Trung Quốc, như phim “Anh hùng” đi, Trương Nghệ Mưu là một ví dụ. Nhưng tôi cũng rất thích thú, cái khó khăn cũng đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ.
- Tôi nghĩ người xem sẽ có sự so sánh với những bộ phim kiếm hiệp bom tấn trước giờ, anh có sợ người ta nói giống phim Trung Quốc?
- Sợ chứ! Đầu tiên tôi sợ nhất là kịch bản, người ta nói giống phim Tàu hay phim Hồng Kong. Được giống thì cũng tốt rồi, tôi chỉ sợ kêu giống như phim thời 70, 80 mới đáng sợ. Nên tiêu chí đầu tiên khi tôi viết kịch bản là phim phải mang một sắc thái riêng. Tôi tin rằng “Mỹ nhân kế” có được điều đó.
- Vậy chắc anh có sự nghiên cứu rất kỹ về… tâm lý phụ nữ?
- Cũng không thể nói là hiểu, thế cũng không chính xác. Chỉ là mình rất cảm xúc và rất là chia sẻ. Tôi viết kịch bản nói về đời sống của những cô kỹ nữ ở thời cổ trang. Mà kỹ nữ thì phải đẹp đúng không? Mỗi người đẹp một kiểu, người đẹp dịu dàng, người đẹp đanh đá… đó là đời sống của câu chuyện. Tâm lý của nhân vật sẽ phức tạp và có chiều sâu hơn những bộ phim trước đây tôi từng làm.
- Bộ phim lần này đã mang đến cho anh những gì, một sự thỏa mãn làm nghề khi “Mỹ nhân kế” được mong đợi như một bộ phim “bom tấn” Việt mặc dù chưa khởi chiếu?
- Thì thấy phim nào tôi làm người ta cũng nói vậy! (cười) Phim này tôi rất thích đồng thời cũng tràn đầy tự tin. Tôi mong muốn làm được một bộ phim Việt Nam mà khán giả sẽ được thỏa mãn về phần nghe, phần nhìn. Và người xem sẽ nhận thấy Việt Nam rất là đẹp!
- Ngoài dàn diễn viên đẹp lung linh ra, anh còn có gì thuyết phục khán giả đến với rạp phim?
- Thứ nhất tôi nghĩ diễn xuất của phim rất là hay, thứ hai hành động rất là thú vị, thứ ba cảnh rất là đẹp. Như vậy có đủ chưa? Còn về nội dung câu chuyện có những nút thắt, mở nút mà tôi không thể tiết lộ. Mỗi người đều có ước mơ và cái cách mà họ đến với ước mơ đó lại xung đột với nhau. Và phụ nữ có nguy hiểm cỡ nào cuối cùng cũng chết vì tình yêu.
Tôi thích mọi người sống mơ mộng
- Tôi nhận thấy phim của anh luôn thu hút bởi câu chuyện lãng mạn và tràn đầy tinh thần lạc quan!
- Mục đích đầu tiên tôi muốn làm là một bộ phim đẹp. Nhưng phim này có lẽ chẳng trong sáng, chẳng ngây thơ đâu. Tuy nhiên cũng tùy quan niệm sống của mỗi người. Tôi rất là có niềm tin ở cuộc sống. “Nụ hôn thần chết” được làm vào lúc tôi mất niềm tin, chuyện tình cảm có nhiều vấn đề, xung quanh bạn bè li dị. Tôi ngồi tôi nghĩ: “Trời! Mình bị mất niềm tin quá! Liệu cuộc sống có tình yêu như Romeo và Juliet?”. Thế là tôi thấy mình nên làm một bộ phim để củng cố niềm tin về tình yêu, là “Nụ hôn thần chết”. Tôi nghĩ ai cũng cần yêu đời hơn chút nữa.
- Dường như hiện nay kỷ lục doanh thu là cái để xác nhận danh tiếng của đạo diễn, anh nghĩ sao về điều này? Anh quan tâm thế nào đến doanh thu trong phim mình?
- Điều này cũng đúng thôi, như ca sĩ có giá thì được cát-sê cao. Tuy vậy, không có ai là thành công từ đầu đến cuối sự nghiệp, thì người ta sẽ nhìn vào tổng thể sự nghiệp của người đạo diễn đó, nhìn vào cá tính của đạo diễn đó. Phim là nghề kinh doanh, tôi nghĩ điều đó rất rõ ràng.
- Người ta nói áp lực doanh thu hiện nay khiến các đạo diễn không làm nên được một bộ phim chất lượng đúng ý họ, anh có bị áp lực về doanh thu?
- Có chứ! Khi người ta mời mình người ta cũng có nhu cầu về doanh thu, mà mình làm cái gì đó để cho người ta mất tiền mình cũng thấy tội lỗi chứ. Đó là áp lực! Dĩ nhiên, tôi cũng có mong muốn một ngày nào đó làm phim mà không bị áp lực doanh thu. Đó là khi mình bỏ tiền ra mình chơi, mình nhiều tiền đến mức độ: “Tôi làm vì tôi thích và tôi chỉ làm những gì mình thích thôi!”. Hoặc có một nhà sản xuất nào đó gặp tôi và nói: “Em ơi, bây giờ anh chị không cần doanh thu, anh chị chỉ muốn em làm cái gì mà cho sướng em…” thì…
- Anh chuyên làm những show lớn cho Lam Trường, Phương Thanh, Tuấn Hưng… Tôi nghe nói cát-sê làm show của anh cao nhất hiện nay đấy thôi?
- Cao thì có cao nhưng làm phim cần nhiều tiền lắm. Cao so với nghề thôi, chứ tôi vẫn đang làm công mà!
- Có điều gì thú vị trong quá trình quay phim mà anh không ngờ đến? Từ trước đến nay khi làm phim có bao giờ anh rơi vào tình huống nào dở khóc dở cười?
- So với những người làm nhanh thì tôi làm chậm, so với những người làm chậm thì tôi làm nhanh. Trước khi đi quay hay làm gì đó, tôi tính toán rất kỹ để khi ra đó mình được thoải mái. Nên tôi rất ít bị như vậy!
- Trong cuộc đời này, ngoại trừ làm phim ra, anh còn mơ ước nào chưa thực hiện?
- Thật nhiều ước muốn lắm chứ! Tôi còn muốn làm một vở nhạc kịch sân khấu vì tôi rất là mê nhạc kịch. Và viết một câu chuyện thần thoại cho thiếu nhi Việt Nam. Càng về sau tôi thấy cái nghề viết truyện rất là vui, rất là hay, mặc dù trước giờ tôi chả thích. Tôi ghét viết kịch bản kinh khủng (cười). Nhưng viết sách là nghề rất là hay. Tôi nghĩ người Việt mình ít mơ mộng quá, truyện cổ tích cũng không nhiều truyện hay, có lẽ chúng ta không phát triển bằng các nước khác cũng vì từ con nít đến người lớn trí tưởng tượng quá kém.Tôi thích mọi người sống mơ mộng!
- Chắc hẳn làm đạo diễn phim đã mang lại cho anh nhiều trải nghiệm rất thú vị?
- Tôi luôn nghĩ cuộc đời này có hai loại công việc thú vị nhất, đó là viết sách và diễn viên. Từ một ông tổng thống đến anh bán hàng luôn có câu chuyện nào đó về cuộc đời mình muốn kể. Còn diễn viên họ luôn được sống trong những vai diễn, mang những tính cách số phận khác nhau. Đấy, cho nên ai cũng muốn được đóng phim cả!
Tôi mà ai thèm giành
- Gần đây, thấy anh công khai quan hệ với Khánh Thi, mối tình này bắt đầu khi nào vậy?
- Không, cái này là báo chí viết thôi, chứ tôi đó giờ có bao giờ công khai gì đâu!
- Vậy là anh “giấu nhẹm” nó?
- Tôi trước giờ đâu nói gì về chuyện tình cảm trên báo chí!
- Nhưng chắc chắn là anh đang có người yêu đấy chứ? Anh định bao giờ thì kết hôn?
- Dĩ nhiên, tôi lúc nào mà chẳng yêu. Tình yêu đơn phương, song phương, tứ phương… không yêu thì làm sao mà sống! Có điều tôi chưa nghĩ đến chuyện kết hôn.
- Mối tình đầu của anh bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi?
- Mối tình ư? Gọi là tình yêu thì có lẽ là năm lớp 11, 12 gì đấy!
- Quan điểm của anh về tình yêu từ trước đến nay có thay đổi gì không?
- Cũng chẳng thay đổi gì!
- Vậy ngoài cuộc sống, các cô gái có giành nhau vị đạo diễn nổi tiếng là anh?
- Ôi, tôi mà ai thèm giành!
- Anh tiếp xúc nhiều với những người đẹp, vậy chắc hẳn sự rung động rất mạnh mẽ đấy chứ?
- Tôi vẫn rung động đấy chứ! Chỉ là cảm xúc của thời khắc đó. Khi tôi làm phim ai mà hỏi tôi có yêu người kia không, tôi nói có. Khi làm phim tôi rất yêu nhân vật của mình. Nhưng chỉ yêu ở mức độ tôi sung sướng khi thấy nhân vật của mình trên giấy giờ đây được thể hiện cụ thể.
Tôi lãng mạn trong tư duy thôi, chứ về hành động tôi cũng không lãng mạn. Nhiều khi văn không hẳn là người. Người ta mơ mộng những gì ta thiếu mà ở ngoài đời ta không thể nào làm được.
- Phim giống như một công cụ diễn tả ước mơ của anh?
- Đúng, phim là công cụ để diễn tả ước mơ. Tôi luôn nghĩ điện ảnh, nghệ thuật là ước mơ. Cái cao cả nhất của nghệ thuật là đưa người ta đến với ước mơ.
Theo Mỹ thuật & Đời sống