Đời sống âm nhạc gần đây được đánh giá là phong phú nhưng phức tạp, đặc biệt là có sự lệch hướng thẩm mỹ trong giới trẻ. Một trong những nguyên nhân là âm nhạc cho thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức. Chúng tôi đã trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên về vấn đề này.
Trách nhạc sĩ cũng một phần thôi
Nhiều người gọi ông là nhạc sĩ của tuổi thơ?
Với tôi đó là danh hiệu rất cao quý. Năm 1997, NXB Kim Đồng in tập nhạc Cánh én tuổi thơ của tôi. Đấy là một việc rất vui. Đến năm 2007, họ lại đến xin phép tái bản có bổ sung thêm 100 bài nữa. Chưa hết, đầu năm 2012 NXB lại bảo vẫn thiếu bài hát thiếu nhi, xin phép tái bản. Lần này tôi rất buồn.
Tại sao lại buồn, thưa ông?
Vấn đề không phải là sáng tác của tôi mà là bài hát cho trẻ con thiếu quá. Để trống cái trận địa này như thế thì thật nguy hiểm. Nếu NXB đến xin tái bản lần thứ 3 tôi sẽ nói, rất cảm ơn các bạn đã quan tâm đến những tác phẩm của tôi. Tôi cũng tin là có những bài hát của tôi vượt thời gian đấy, thế nhưng cuộc sống mới có nhiều vấn đề lắm, nên động viên các nhạc sĩ sáng tác bài hát mới cho thiếu nhi.
Theo ông vì sao các nhạc sĩ không tha thiết với những sáng tác cho trẻ em? Vì khó? Vì không nổi tiếng bằng sáng tác cho người lớn?
Viết cho thiếu nhi tất nhiên phải có lòng yêu trẻ. Nhưng cũng phải có sự quan tâm của toàn xã hội. Khi còn ở trong ban thường vụ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi có đề xuất thành lập tiểu ban sáng tác cho thiếu nhi. Các đồng chí bên ủy ban thiếu niên nhi đồng khi đó cũng rất quan tâm, cứ khi nào có hoạt động gì của thiếu nhi là lại mời các nhạc sĩ đi cùng.
Chính vì đi với trẻ con nhiều nên có rất nhiều bài cho thiếu nhi. Sau đó người ta nghĩ sáng tác cho trẻ con thì cũng như người lớn nên nhập cả vào ban sáng tác. Còn bây giờ các nhạc sĩ trẻ thường chỉ sáng tác những gì dễ có tiếng tăm, dễ kiếm tiền hơn là viết cho trẻ con. Đó là bi kịch đấy.
Vậy trước tiên là trách nhiệm của nhạc sĩ?
Trách nhạc sĩ cũng một phần thôi bởi dường như họ đang làm cái công việc mà xã hội không quan tâm lắm thì làm thế nào được. Phải trách cơ quan quản lý thì đúng hơn. Trong cơ chế thị trường nếu không tạo điều kiện cho người ta hướng về trẻ con thì chúng ta sẽ thua.
Có cô giáo bảo thiếu bài hát cho trẻ mẫu giáo quá, các cô cứ phải phổ nhạc. Nghe cô ấy hát tôi sợ quá. Gì mà: bạn ơi hãy chùi mũi cho sạch... Không còn gì là nghệ thuật nữa. Trẻ con có hát thì hát trước mặt cô giáo thôi còn khi vui chơi nó không hát đâu.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên. |
Vì sao trẻ con lại thích nhạc Hàn?
Tôi nghĩ là nhiều người vẫn cho rằng bài hát cho thiếu nhi là làm tay trái thôi?
Nếu nghĩ đơn giản trẻ con ấy mà viết cái gì chả được thì nguy lắm. Trẻ con bây giờ phát triển có gia tốc, nó nắm thông tin còn nhanh hơn mình. Không thể nói bài này tôi viết như hồi tôi còn bé được. Hồi bé của các ông khác nhiều chứ, không thể giống như trẻ con hiện nay.
Bây giờ không phải thời kỳ "con cò bay lả bay la" nhẹ nhàng đâu mà là thời kỳ hiện đại hóa vì vậy tiết tấu, nhịp điệu phải mạnh, phải sôi động. Tại sao giới trẻ lại thích nhạc rap, hiphop?
Đừng trách họ vội mà phải làm thế nào để Việt hóa nó đi để giới trẻ thấy đây là tiếng nói của mình, dần dần mới không còn quãng cách với thế giới. Thế mới được chứ cứ giữ khư khư lấy cái của mình chưa hẳn đã tốt. Chỉ dân tộc mà không hội nhập thì sẽ thành những người lạc lõng với thế giới.
Để trống mảng âm nhạc cho thiếu nhi có phải là một nguyên nhân để nhạc Hàn tràn ngập?
Một phần là thế, một phần nữa là do truyền thông của ta lại tuyên truyền, cổ súy cho nhạc Hàn quá nhiệt tình. Chính mình tiếp tay cho chuyện đó đấy chứ. Sở dĩ hiện nay giới trẻ thích nhạc Hàn Quốc vì được nghe đi nghe lại thì nó thấm vào, đơn giản như thế thôi.
Vâng, đúng là đơn giản thế thôi, nhưng sự tràn lan của nhạc Hàn, rồi văn hóa Hàn Quốc khiến nhiều người lo ngại về những ảnh hưởng không tốt tới giới trẻ?
Mình phải nghiên cứu đã. Mọi phát biểu theo cảm tính ban đầu chưa chắc đã chuẩn. Gạt hẳn đi chưa hẳn là đúng nhưng tiếp cận hoàn toàn mà không có ý kiến gì thì cũng không hẳn là tốt. Ra lệnh cấm là hạ sách, thượng sách là đem cái hay hơn đưa vào thì mới đẩy lùi được cái dở. Chứ bây giờ bảo không được hát nhạc Hàn thì không thể. Càng cấm giới trẻ họ càng thích nghe.
Là một nhạc sĩ, ông đánh giá thế nào về nhạc Hàn?
Bản thân tôi chưa dám nói về chuyện này vì tôi cũng đang nghiên cứu. Ví dụ như điệu Gangnam style, tại sao lại khiến cả thế giới say mê. Tôi thấy trong đó có tiết tấu của thời đại rất mạnh. Ở đây mình phải học tập Hàn Quốc rất nhiều, người ta có hẳn định hướng về nghệ thuật, về nội dung...
Rất dễ hiểu vì sao trẻ con lại thích nhạc Hàn đến thế. Vì nó hòa nhập với thời đại. Mình cũng đang trong thời kỳ hội nhập. Nếu không học tập các nước trong phát triển nghệ thuật trong thời đại mới này thì chúng ta sẽ lạc hậu.
Trẻ con đang phục vụ người lớn
Tôi thì lại cho rằng sở dĩ lớp trẻ thích nhạc Hàn chứ không thích nhạc cổ điển hay nhạc dân tộc vì họ chưa có những hiểu biết nền tảng về âm nhạc.
Cũng có xu hướng muốn cho trẻ con tiếp xúc với ca trù, tuồng, chèo... Tôi nghĩ những cái đấy để cho người lớn, cho những người am hiểu thôi. Cứ nói chuyện ca trù là trẻ con sợ lắm. Hơn nữa, trong nhà trường một tuần chỉ có 1 tiết âm nhạc, lại quy định hát những bài gì thì trẻ em làm sao thích được. Phải có các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn nữa. Nếu không quan tâm đến vấn đề này thì hậu quả là cái mà chúng ta đang phải gánh đấy.
Vẫn có những CLB hát múa đấy chứ, lại còn nhiều là đằng khác nhưng chủ yếu là tập để biểu diễn, để đi thi chứ không phải để được nghe nhạc nghiêm túc.
Đúng là hiện nay đang có tình trạng trẻ con phục vụ người lớn chứ không phải người lớn lo cho trẻ con đâu. Những chương trình muốn ăn khách thì phải bắt trẻ con ăn mặc như người lớn, cũng nhảy múa, cũng trang điểm như người lớn...
Qua đó có thể thấy dường như âm nhạc nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung của ta chưa có định hướng cụ thể?
Chúng ta đang trong quá trình phát triển, rất nhiều vấn đề đặt ra. Tôi công nhận hiện nay những vấn đề về kinh tế thiết thực đối với đất nước, nhưng phải phát triển đồng bộ về văn hóa nữa, nếu không sẽ rất gay.
Kinh tế phát triển phải đi đôi với văn hóa chứ nếu để văn hóa thụt lùi thì đến một lúc nào đó ngay bản thân kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay đang lệch đấy. Không phải riêng cho trẻ con đâu mà cho cả người lớn nữa. Tôi rất mong trong những kỳ họp Quốc hội sẽ bàn nhiều hơn nữa về vấn đề văn hóa.
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn năm 1950. Ông nguyên là Trưởng ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội... Ông đã sáng tác gần 700 ca khúc, trong đó hơn 1/3 là những bài hát cho thiếu nhi. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. |
Theo Kiến thức