“Đại gia” công nghệ TQ tìm cách oanh tạc thế giới

Thứ tư, 08/01/2014, 10:57
Từ một cửa hàng trực tuyến bán gần như mọi thứ tới những smartphone đẳng cấp thách thức cả Apple, một thế hệ doanh nhân tỷ phú đầy quyền lực đang trỗi dậy ở Trung Quốc.

Có một thế hệ mới đang dần nắm quyền lực, và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với chính trị ở Trung Quốc. Đó là những tỷ phú công nghệ cao.

Dẫn đầu thế hệ này có lẽ là Jack Ma, người sáng lập của Alibaba, một nền tảng dịch vụ thương mại trực tuyến cho phép một doanh nghiệp bán gần như mọi thứ cho các khách hàng hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

Thương mại toàn cầu bùng nổ, Trung Quốc đang chuyển mình thành cường quốc công nghệ với một thế hệ doanh nhân đầy quyền lực.

Tất nhiên, hầu hết các nhà cung cấp hiện nay đều là người Trung Quốc, nhưng Alibaba đang dần được sử dụng ngày càng nhiều bởi các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới. Công ty này cũng đang có một vị trí hết sức tuyệt vời và có tiềm năng khổng lồ khi thương mại đang trở lên trực tuyến và toàn cầu hóa hơn. Alibaba dự đoán rằng tới năm 2016, thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ có giá trị hơn thương mại điện tử của cả Mỹ và Liên minh Châu Âu hợp lại.

Với Alibaba, ông Ma trở thành một nhà tài phiệt Internet đặc biệt của Trung Quốc. Trong khi những tỷ phú khác của Trung Quốc xây dựng đế chế trực tuyến gần giống với Google hay Twitter thì Alibaba lại không hề có một hình thức tương tự ở phương Tây. Các hàng bán lẻ trực tuyến Amazon và eBay của phương Tây chỉ nhắm vào người tiêu dùng.

Sau sự nổi lên của Facebook và Twitter, Phố Wall đang “khao khát” những cổ phiếu công nghệ mới và muốn bắt tay với Alibaba.

Chỉ mới xuất hiện được 3 năm, nhưng nhà sản xuất smartphone Xiaomi đã trở thành mối de dọa lớn đối với Apple, Google và Samsung.

Cũng rất dễ hiểu vì sao Alibaba lại có sức hấp dẫn như vậy. Trong quý 3/2013, doanh thu của Alibaba đã tăng 60%, lên 1,7 tỉ USD, còn lợi nhuận ròng là 717 triệu USD, tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn gần gấp đôi so với lợi nhuận của Facebook (425 triệu USD) trong cùng quý.

PrivCo, một công ty nghiên cứu đầu tư của các công ty tư nhân, ước tính Alibaba có giá trị tới 110 tỷ USD. Với con số này ông Ma sẽ dẫn đầu danh sách những người giàu nhất Trung Quốc.

NYSE, Nasdaq và London là một trong những sàn chứng khoán đang ‘gạ gẫm’ ông Ma tham gia kể từ tháng 9/2013, khi ông Ma thay đổi quyết định, không niêm yết chứng khoán Alibaba trên sàn Hồng Kông nữa.

Chính quyền Hồng Kông lo ngại về cấu trúc hai tầng trong cổ phiếu của Alibaba, trong đó cho ông Ma và các giám đốc điều hành khác có nhiều quyền biểu quyết hơn các cổ đông bình thường khác. Trong khi đó, đây là một quy định bình thường đối với các “gã khổng lồ” tại Thung lũng Silicon được điều hành bởi các nhà sáng lập như Facebook và Google.

Việc nhiều thị trường chứng khoán lớn ở phương Tây chào đón ông Ma có thể được xem là một sự thay đổi quyền lực lớn của ngành công nghiệp cao của Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Một ví dụ nổi bật khác của xu hướng này là Xiaomi, một hãng sản xuất smartphone mới được 3 năm tuổi, đã sản xuất những thiết bị đẳng cấp có thể cạnh tranh được với iPhone của Apple, trở thành đối thủ “sừng sỏ” của Apple, Google và Samsung.

Hồi tháng 7/2013, công ty nghiên cứu thị trường Canalys tuyên bố thị phần của Xiaomi tại Trung Quốc đã vượt qua cả Apple trong quý thứ 2/2013.

Xiaomi liên tục tung ra các mẫu smartphone có cấu hình cao nhưng giá thành chỉ bằng một nửa do với những smartphone đầu bảng của các đối thủ khác. Mặc dù chất lượng của smartphone Xiaomi có thể chưa bằng iPhone hay Galaxy, nhưng công ty này đã thắng lớn về mặt giá thành.

Tuần trước, Xiaomi đã thực hiện bước đầu tiên trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế bằng việc phát hành smartphone tại Singapore và nhà sáng lập Lei Jun của Xiaomi tự tin tuyên bố rằng ông đang nhắm mục tiêu tăng doanh số lên gấp đôi vào năm nay với 40 triệu smartphone.

Kế hoạch này đã được thông báo trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo của Lei. Sina Weibo là một mạng xã hội Trung Quốc, tương đương với Twitter. Mạng xã hội này thuộc công ty Sina. Sina được điều hành bởi một nhà tài phiệt công nghệ khác của Trung Quốc là Charles Chao. Sina đã niêm yết chứng khoán trên sàn Nasdaq, cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp đôi vào năm ngoái với 600 triệu người dùng.

Sina Weibo đã trở thành diễn đàn cởi mở nhất trong số các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Sina Weibo không phải là “gã khổng lồ” Internet duy nhất của Trung Quốc hưởng lợi từ những biện pháp hợp tác với chính phủ. Baidu, công cụ tìm kiếm của Trung Quốc cũng đã có được nhiều lợi thế khi Google bị cấm sử dụng ở Trung Quốc năm 2010, và trở thành công cụ tìm kiếm lớn nhất trên thị trường tìm kiếm Internet ở Trung Quốc.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích