Dùng kho "phim đen" để ăn cắp tiền thuê bao di động

Thứ sáu, 31/10/2014, 15:09
Sau khi lập công ty, các đối tượng dùng ứng dụng chứa các đoạn phim “tươi mát” kích thích sự tò mò của người dùng di động để ăn cắp tiền trong tài khoản.
Các đối tượng dùng ứng dụng chứa các đoạn

Các đối tượng dùng ứng dụng chứa các đoạn "phim đen", kích thích sự tò mò của chủ thuê bao di động.

Mặc dù trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng nhiều đối tượng thuê các tổng đài đầu số đồng thời chỉnh sửa các ứng dụng, sau đó phát tán qua nhiều nguồn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dùng điện thoại. Tuy nhiên tình trạng này vẫn được nhiều đối tượng lén lút thực hiện. Mới đây, đội Thương mại điện tử phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã lập chuyên án, xác định và bắt giữ nhóm đối tượng này.

Qua công tác trinh sát, vừa qua, đội thương mại điện tử, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội đã khám phá nhanh nhóm đối tượng gồm Đinh Trung Kiên (SN 1991, trú tại Từ Liêm, Hà Nội) và Trần Minh Nam (SN 1993, trú tại Mê Linh, Hà Nội). Hai đối tượng này đã cùng nhau thành lập công ty cổ phần “có ngay” trụ sở tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo khai nhận, công ty của hai đối tượng này chuyên phân phối khoảng 200 ứng dụng. Các ứng dụng này được phân phối thông qua trang web hoptac.net. Tuy nhiên, theo khai nhận của các đối tượng, các ứng dụng này đã được chỉnh sửa, thêm các đoạn mã để ngầm trừ tiền của người sử dụng.

Trong số 200 ứng dụng do công ty này phân phối, cơ quan công an phát hiện ứng dụng có tên gọi “Xvideo” hoạt động dưới hình thức kho chia sẻ ứng dụng có nguồn gốc không rõ ràng, ứng dụng này chứa các đoạn phim có tính chất khiêu dâm để lôi kéo người dùng điện thoại, khi người dùng cài vào điện thoại di động, hệ thống sẽ tự động trừ tiền từ tài khoản thuê bao.

Mỗi khách hàng khi click vào ứng dụng này, ứng dụng sẽ tự động trừ 15.000đ mà không có bất cứ cảnh báo nào. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 226B BLHS. Chỉ trong hơn 5 tháng hoạt động, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt của người dùng số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.

Trung tá Ngô Minh Quang – đội trưởng đội thương mại điện tử phòng cảnh sát phòng chống tội pham công nghệ cao (PC50) công an Hà Nội cho biết: “Trong đợt thi đua đấu tranh phòng chống tội phạm, 90 ngày đêm đấu tranh phòng chống tội phạm, thì đội thương mại điện tử, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao PC50 chúng tôi có khám phá ra một đầu mối án, mà các đối tượng có phương thức thủ đoạn chỉnh sửa, phát tán các ứng dụng, tự gửi tin nhắn đến các thuê bao di động, từ đó chiếm đoạt tài sản của các thuê bao di động đó”.

Theo đại diện của đội thương mại điện tử phòng PC50, sau khi cài đặt, người dùng sẽ nhận được thông báo đồng ý sử dụng dịch vụ, đồng thời, ứng dụng sẽ trừ ngày 15.000 đồng trong tài khoản mà không có thông báo cụ thể. Trong trường hợp không đủ tiền trong tài khoản, ứng dụng sẽ trừ theo số tiền còn lại lần lượt ở mức 10.000 đồng và sau đó là 5.000 đồng. Chỉ trong hơn 5 tháng hoạt động, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt của người dùng số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.

Theo Trung tá Ngô Minh Quang – đội trưởng đội thương mại điện tử - phòng PC50 – công an Hà Nội: Ứng dụng dành cho điện thoại thông minh tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu người dùng chưa có ý thức bảo vệ thông tin, danh tính và tài sản của mình đúng cách. Nhất là khi chợ ứng dụng ngày càng phát triển ồ ạt, số lượng ứng dụng mới và hay ra đời ngày càng nhiều, thì người dùng càng dễ đưa điện thoại của mình vào nguy hiểm.

Nếu chẳng may download nhầm một ứng dụng có chưa virus hay mã độc bên trong về điện thoại, người dùng đã vô tình tạo điều kiện cho mã độc này len lỏi vào hệ điều hành điện thoại để đánh cắp dữ liệu lưu trữ, phá hỏng bộ nhớ hoặc tự động thực hiện cuộc gọi hay gửi tin nhắn đến những đầu số tính phí cao ngất ngưởng.

Vì vậy, trước khi cài đặt một ứng dụng, người dùng nên tìm hiểu kỹ về ứng dụng trước khi cài đặt, người dùng cần tìm hiểu xem ứng dụng trên có xuất xứ rõ ràng hay không bởi hiện nay nhiều ứng dụng giả mạo các ứng dụng tốt, nếu không chú ý thông tin nhà sản xuất thì rất dễ bị nhầm lẫn. Nên từ chối tải về một ứng dụng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sử dụng phần mềm bảo vệ cho điện thoại: quá trình sử dụng chắc chắn không tránh khỏi những lúc sơ suất do thao tác, vì vậy nên có một lá chắn an toàn giúp bạn bảo vệ điện thoại của mình.

Trung tá Ngô Minh Quang khuyến cáo thêm: “Thủ đoạn này cũng đã được cơ quan công an cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên, thông qua các đầu số đã được cài đặt trước, thì người sử dụng chỉ cần click vào các ứng dụng trên, là đã bị tự động trừ tiền, trong đó các thông báo, cảnh báo trừ tiền thì các đối tượng để ở những vị trí rất khó phát hiện và rất nhỏ, nên là người sử dụng thuê bao là thiếu cảnh giác, vì vậy, người dùng, đặc biệt là người dùng điện thoại di động, smartphone cần phải cảnh giác trước những tin nhắn kiểu này”.

Người dùng không để ý nhấn nút “ok” thì máy đã tự động trừ tiền.

Các chuyên gia về bảo mật thông tin còn đưa ra lời khuyên: Để cài đặt ứng dụng trên smartphone, người dùng nên cài đặt trực tiếp từ các kho ứng dụng chính thức của các nền tảng như vào Google Play trên nền tảng Android hay AppStore của iOS. Tất nhiên nên đọc kỹ các thông tin sản phẩm và các bình luận trước khi quyết định cài đặt để tránh việc mất tiền oan cũng như bảo vệ thiết bị an toàn hơn.

Bên cạnh đó, cảnh báo từ cơ quan công an cũng cho thấy rằng, hiện nay, việc các đầu số được cho thuê tràn lan mà không có sự kiểm soát chặt chẽ cũng đã tạo cơ sở để các đối tượng khai thác nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Theo VOV Giao Thông

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích