“Biết sai, sửa sai, không nhận sai, đó là người có thể đứng trên người khác” câu nói nổi tiếng của nhân vật Tào Tháo trong truyện Tam Quốc xem ra cực kỳ chính xác đối với Apple - một hãng công nghệ nổi tiếng với sự bảo thủ, thậm chí cực đoan.
Mới đây, một người dùng iPhone bất ngờ phát hiện ra chiếc iPhone 6 Plus anh ta vừa mới mua có vẻ cứng và khác lạ so với sản phẩm cùng loại anh mua cho vợ khi model này mới ra mắt khoảng một tuần. Không những thế, chiếc iPhone này còn nặng hơn 21 gram so với chiếc anh đã mua cho vợ. Từ đó, đã xuất hiện thông tin về việc, Apple đã âm thầm sửa lỗi dễ bị bẻ cong của iPhone 6 Plus bằng cách sử dụng vật liệu cứng hơn và gia cố cho vị trí dễ bị bẻ cong của máy.
Trước đó, mặc dù nhận được những chỉ trích nặng nề của báo giới, người dùng về việc iPhone 6 Plus dễ bị bẻ cong, thay vì xin lỗi khách hàng, hứa sẽ tìm hiểu thì táo khuyết dửng dưng cho rằng, số lượng máy bị lỗi quá nhỏ, không đáng để hãng phải bận tâm. Thậm chí, hãng này còn dọa nghỉ chơi với báo chí nếu họ tiếp tục đào sâu thêm về vấn đề này.
Cách hành xử của Apple trong scandal iPhone 6 dễ bị bẻ cong cho thấy họ vẫn rất cực đoan trong việc thừa nhận sai lầm. |
Sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi trong một ngày đẹp trời, Unboxtherapy lại muốn thử bẻ cong một chiếc iPhone 6 Plus và bất ngờ phát hiện ra, chiếc máy họ muốn bẻ khi đó khó cong hơn nhiều so với chiếc trong clip họ đã làm cuối tháng 9, thu hút nhiều triệu lượt xem. Sau đó, đến lượt iFixit vào cuộc, mổ bụng iPhone 6 Plus và phát hiện ra một số linh kiện, vật liệu lạ chưa có trên những chiếc 6 Plus họ mổ bụng ngày máy mới bán ra.
Apple có truyền thống âm thầm sửa lỗi trên những sản phẩm của mình. Trước đây, cố CEO Steve Jobs từng khiến người dùng iPhone 4 không biết phải ứng xử ra sao khi đổ lỗi cho người dùng không biết cách cầm máy, khiến cho sản phẩm của họ bị mất sóng. Họ mua iPhone, gặp phải sản phẩm lỗi nhưng không nhận được bất cứ lời xin lỗi nào từ phía hãng, thậm chí còn bị chê là không biết cách sử dụng iPhone.
Tuy đổ lỗi cho người dùng nhưng táo khuyết lại tặng cho khách một loại vỏ case nhằm đảm bảo khả năng thu sóng tốt hơn. Cũng chỉ sau thời điểm đó ít lâu cho đến nay, không một khách hàng nào còn phàn nàn về việc iPhone 4 của họ bị mất sóng, đơn giản bởi Apple đã khắc phục hiện tượng này một cách bí mật, không để cho ai biết.
Apple bảo thủ đến mức, người ta tin rằng xin lỗi là từ không có trong từ điển của họ, đặc biệt dưới thời CEO Steve Jobs. Khi Tim Cook lên nắm quyền, Apple đã mềm mỏng đi nhiều. Bằng chứng là việc, đích thân vị CEO này đã từng lên tiếng xin lỗi người dùng vì phần mềm Apple Maps của họ quá tệ và khuyên người dùng chuyển sang Google Maps.
Những tưởng, đó là sẽ tiền đề mở ra một thời kỳ mới cho Apple - ở đó, họ dân chủ và không còn quân phiệt. Tuy nhiên, sự cố iPhone 6 Plus vừa qua và những động thái gần đây cho thấy, Apple vẫn là chính họ. Có vẻ như, họ vẫn sẽ giữ thái độ bảo thủ một cách cực đoan bởi thứ văn hóa Steve Jobs gây dựng lên đã ngấm vào máu.
Steve Jobs nổi tiếng là một thiên tài. Ông này còn là một tín đồ của chủ nghĩa hoàn hảo. Ông không chấp nhận việc sản phẩm do mình làm ra bị mắc lỗi. Nói cách khác, ông cảm thấy bị xúc phạm nếu bất kỳ ai đó chỉ trích ông hoặc sản phẩm của Apple – thứ ông coi trọng hơn bất cứ gì trên đời.
Cách hành xử đó – thường xuất hiện ở những kẻ độc tài, nơi họ cho mình là số một, là kẻ đứng trên người khác. Tuy nhiên, Apple không mù quáng bởi họ vẫn lắng nghe người dùng, khắc phục những sai lầm. Trên thực tế, nếu không cầu thị, họ chắc chắn không thể tung ra những sản phẩm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng như iPhone, iPad hay máy Mac.
Một nhân vật kiệt xuất như Steve Jobs đã biết cách truyền tình yêu, lòng tự hào về sản phẩm họ làm ra đến từng nhân viên Apple, tạo ra một thứ văn hóa cực đoan có chủ đích để ngay cả khi ông qua đời, Apple vẫn như một cỗ máy đã vào guồng, tiếp tục dòng chảy của nó, tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Đến khi mắc sai lầm, họ lại tiếp tục “xù lông” trước búa rìu dư luận, sau đó âm thầm khắc phục thay vì tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân.
Theo Zing