Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký quyết định số 1509/QĐ-BTTTT về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 433/QĐ-BTTTT ngày 29/03/2011 nhằm điều chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 của Việt Nam.
Kết thúc Giai đoạn 1 (2011-2012), bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số bất cập. Lưu lượng và sự hiện diện của IPv6 trên thực tế còn thấp, sự lan tỏa và kết quả ứng dụng IPv6 trong thực tiễn hoạt động và dịch vụ Internet Việt Nam chưa cao. Để khắc phục, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia cho rằng cần thay đổi kế hoạch.
Theo quyết định mới, ba giai đoạn sẽ vẫn được giữ nguyên là Giai đoạn 1 (đã kết thúc), Giai đoạn 2 (2013-2015), Giai đoạn 3 (2016-2019). Tuy nhiên, thay vì chỉ có các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như trước, các đơn vị thực hiện việc triển khai IPv6 được bổ sung thêm gồm các báo điện tử, các trang thông tin điện tử tổng hợp, các mạng xã hội, các nhà đăng ký tên miền quốc gia Việt Nam, các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, doanh nghiệp sản xuất thiết bị mạng cùng nhiệm vụ triển khai tương ứng trong các giai đoạn còn lại của Kế hoạch.
Như vậy, các báo điện tử, mạng xã hội... bắt đầu phải chuyển đổi dịch vụ sang địa chỉ IPv6 và hoàn thành trước năm 2019, song song với việc hỗ trợ IPv4.
Quá trình triển khai IPv6 đang ở giai đoạn hai và được bổ sung thêm các đơn vị mới. Ảnh: VNNIC. |
Các đơn vị thực hiện mới được bổ sung sẽ có lộ trình chậm hơn khi tiếp cận Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 so với các ISP do các ISP đã hoàn tất việc lập kế hoạch từ Giai đoạn 1 và đang trong quá trình triển khai thử nghiệm các dịch vụ đến khách hàng.
IP là chuỗi số phân cho mỗi máy tính, máy chủ, smartphone và các thiết bị kết nối Internet khác. Kho địa chỉ Internet trên nền IPv4 (với tổng cộng 4,3 tỷ địa chỉ) đã cạn kiệt trong khi các dòng thiết bị mới vẫn tiếp tục ồ ạt được bán ra thị trường. Vint Cerf, người tạo giao thức IPv4 với nhiệm vụ kết nối máy tính trên toàn cầu, cho biết: "Tôi từng nghĩ 4,3 tỷ địa chỉ là quá đủ, nhưng ai mà biết trước được chúng ta sẽ cần bao nhiêu không gian địa chỉ, nhất là khi thời điểm ra đời IPv4 chưa tồn tại khái niệm thiết bị IP di động". Lúc này, IPv6 chính là giải pháp. Địa chỉ IPv6 dài 128 bit, cho phép mở rộng kho địa chỉ lên tới 2^128, tức lớn hơn rất nhiều so với IPv4 (số địa chỉ cụ thể của IPv6 là 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456). IPv6 có lợi thế lớn so với IPv4 khi có không gian địa chỉ gần như vô hạn, cho phép thiết bị tự cấu hình các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy chủ tên miền, khả năng bảo mật cao…Vấn đề là quá trình nâng cấp lên IPv6 đòi hỏi công sức và chi phí cao, nên nhiều bên vẫn chần chừ đến khi nào không thể trì hoãn được nữa. |
Theo VnExpress