Vợ hoặc chồng tương lai của bạn tên gì?: Nhảm nhí, thì sao?

Thứ sáu, 29/05/2015, 07:19
“Vợ (chồng) tương lai của bạn tên gì?”; “Bạn sẽ trải qua bao nhiêu cuộc tình?”, “Tên của bạn có ý nghĩa gì?”.. là những trào lưu mạng “hot” hiện nay.  

1.Tuy nhiên, việc cài mặc định kết quả xác suất mà không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào khiến những trào lưu này bị nhiều người "ném đá" là vô bổ, phí thời gian.

Rõ ràng, các trào lưu trên hoàn toàn nhảm nhí. Bởi người tham gia không đóng góp phần nào đó cho công nghệ như trào lưu “soi ảnh đoán tuổi”; họ cũng không thúc đẩy dư luận, tài chính cho việc nghiên cứu bệnh ALS (xơ cứng teo cơ một bên) như trào lưu “dội nước đá lên đầu”; các trào lưu này cũng không lan tỏa tình yêu thương như trào lưu nhắn tin “Em yêu anh”...

Việc làm của người dùng rất đơn giản: nhập họ tên, ngày tháng năm sinh, nhận một kết quả mặc định nào đó (có thể trùng với hàng ngàn người) rồi chia sẻ trên Facebook. Một số người chia sẻ kết quả kèm lời lẽ đầy tự hào với những lời có cánh của những người viết phần mềm. Một số khác chia sẻ kết quả cùng những lời bình cho rằng phần mềm sai bét, nhảm nhí. Nhảm nhí nhưng vẫn tiếp tục tham gia các cuộc trắc nghiệm tương tự khác, nhảm nhí nhưng vẫn chia sẻ trên trang cá nhân.


Trào lưu "Vợ chồng tương lai của bạn tên gì?" đang gây tranh cãi trong dư luận

2.Tức là, nhảm nhí cũng có lý để tồn tại. Nó giống như việc người ta vừa đọc tin tức giật gân vừa chê những tin tức này “lá cải”, vừa xem phim truyền hình hàng trăm tập vừa bĩu môi phán phim rẻ tiền, “bôi” thêm quá thô và vô lý; vừa uống bia vừa than thở buồn vì thực trạng tiêu thụ bia rượu “khủng” của người Việt...

Vậy cái lý của sự "nhảm nhí" ở đây là gì?

Thử tưởng tượng, sau một ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi, lớp thị dân đang gia tăng không ngừng sẽ làm gì để giải trí? Hẳn không nhiều người xem phim của Kim Ki Duk hay đọc sách của Murakami hay những sản phẩm văn hóa với hàm lượng nghệ thuật cao tương tự nhưng luôn bị gắn mác “hại não”. Lựa chọn của đám đông sẽ là: bia; phim truyền hình dài tập nhẹ nhàng, không phải nghĩ nhiều và những trang tin đăng những thông tin giật gân. Đó là nhu cầu chính đáng bình thường, không đáng nhận những phán xét gay gắt của những nhà “đạo đức học”.

Cũng như vậy, sẽ là không ổn nếu vội vã “ném đá” những người tham gia các trào lưu hiện nay là "nông cạn", "dễ dãi" như những lời bình luận vừa qua. Trắc nghiệm cho vui, xem kết quả cho vui, rồi chia sẻ, rồi bạn bè bình luận qua lại, rồi cười, rồi quên âu cũng là một nhu cầu giải trí đơn giản và vô hại.

Thời gian gần đây, mạng xã hội phát triển, nhiều chuyên gia dư luận xã hội luôn coi các trào lưu của cộng đồng mạng là một kênh thăm dò dư luận. Bởi, mạng ảo đôi khi phản ánh thế giới thật. Ví như trào lưu nhắn tin “Em yêu anh” gây sốt cho thấy những lời yêu thương chân thành trong cuộc sống là quá đỗi xa xỉ. Trào lưu hẹn hò qua mạng phản ánh sự gấp gáp và ảnh hưởng của công nghệ trong xã hội hiện đại...

Nhưng, một đôi khi, những đoán định trở thành nâng cao quan điểm, cố gắn những ý nghĩa không mấy liên quan vào hiện tượng, trào lưu. Trả lời PV, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục cho biết: “Vợ (chồng) tương lai của bạn tên gì?”; “Bạn đã trải qua bao nhiêu cuộc tình?”, “Tên của bạn có ý nghĩa gì?”; “Nghề nghiệp lý tưởng của bạn?”... thực chất chẳng phản ánh điều gì. Phản biện, tranh luận qua lại trên mạng cũng có nhiều ý nghĩa tích cực. Song, tôi nghĩ, chúng ta nên quan tâm những điều có ích hơn là soi mói, phán xét những thú vui của cá nhân vô hại của người khác.

Theo Thể Thao & Văn Hóa

Các tin cũ hơn